Archive | Tháng Mười Một 2011

Takoyaki


Takoyaki, dịch sát nghĩa món này là bạch tuột nướng, nhưng thật ra đây là một loại pancake nhưng bột được đổ vào khuôn như khuôn bánh khọt nhà mình rồi cho nhân là bạch tuột vào. Đây là món ruột của mình ở Nhật, rất ngon và dễ ăn nên mình tin là nếu món này có bán ở Việt Nam thì mọi người cũng sẽ thích mê món này như mình thôi. Thật ra mình không biết làm Takoyaki đâu, mà hầu như người Nhật cũng ít chế biến món này ở nhà vì phải mua cái chảo nướng bánh (như chảo bánh khọt), mà bánh làm ở nhà cũng không ngon bằng ở tiệm, nên ra tiệm mua vừa nhanh, ngon, rẻ hehe. Tuy nhiên, Takoyaki là món đặc sản của vùng Osaka, nên khác với người Nhật ở máy vùng khác, người dân ở khu Osaka hầu như nhà nào cũng có chảo làm Takoyaki và ai cũng biết làm Takoyaki ở nhà mà làm rất ngon nữa nha ! Hôm trước mình có qua nhà 1 cô bạn Nhật chơi, cô này người gốc Osaka nên cô đã bày cho mình cách làm Takoyaki nhanh gọn lẹ như sau. Mình đã chụp hình và ghi chép lại cho các bạn xem, nếu ai có thời gian và cơ hội thì làm thử nha !!!

  • Nguyên liệu

250 g Bột Takoyaki

1 cái trứng gà

750 ml nước

100 g bạch tuột

Hành lá và Gừng đỏ ngâm dấm của Nhật.

Ăn kèm với: Mayonaise, cá bào Katsuo và sauce để ăn Takoyaki

Những nguyên liệu trên các bạn có thể tìm đến mấy shop bán thực phẩm Nhật trên đường Lê Thánh Tôn check xem có không.

Bột Takyoyaki và Bạch tuột xắt nhỏ

Gừng đỏ ngâm dấm của Nhật.

Cách chế biến

Bước 1: Trộn bột, trứng, nước, hành là, và gừng đỏ lại với nhau

Bước 2: Đổ bột vào khuôn như trên hình

Bước 3: Sau đó cho bạch tuột vào từng ô bột

Bước 3: Khi bột hơi chín thì dùng cây chỉa như trong hình để khều bột về gọn gàng

Bước 4: Sau đó lấy cây chĩa khều bánh để trở mặt bánh

Cách trở mặt bánh

Cách trở mặt bánh

Bánh chín hết rồi nè

Cuối cùng chỉ việc vớt bánh ra, rải lên mặt bánh sauce để ăn Takoyaki, mayonaise và cá bào katsuo.. Hôm nào mời mọi người làm thử nha !!!!

Bún măng gà


Sáng sớm tỉnh dậy, hầm xương gà, củ cải trắng, cá rốt lấy nước dùng, sau đó đi làm, chiều về luộc măng với ức gà rồi xé nhỏ cho vào tô bún.  Vậy là có được một tô bún măng gà ăn ngon lành rồi !!! Có điều tiếc 1 tí là quên mua hành lá và hành phi để rắc lên tô bún, và bên đây ko co bún tươi nên phải xài bún khô, tuy nhiên nước dùng thì ngọt lịm ngon phải biết luôn nha hihih.

Công thức của mình như sau:

  • Nấu nước dùng bằng xương gà, cà rốt, củ cải trắng và nêm với 1 ít đường phèn, để lửa riu riu để gà và củ cải,cà rốt tiết ra hết chất ngọt thì vớt ra, chắt lấy nồi nước dùng.
  • Sau đó, ức gà ướp tí bột nêm, rồi đem hấp chín, xé phay.
  • Măng tươi đem luộc mềm, xả sạch, rồi bỏ vào nồi nước dùng hồi nãy rồi đun sôi, cho hành phi khô vào nêm nếm bột nêm, muối lại cho vừa ăn. Mình nêm bằng viên bột nêm cốt gà và muối nên nước dùng đã ngọt càng ngọt thêm !!!
  • Sau đó cho bún vào tô, chan nước dùng với măng lên trên, rắc gà xé phay lên tô bún + hành lá + giá +rau muống trụng . Có thể thay thế bún bằng miến. Chúc mọi người ăn ngon miệng !!!

Bánh Dorayaki


Ngày xưa khi đọc truyện Doraemon, mình luôn tò mò không biết loại bánh rán mà mèo máy khoái ăn là loại bánh gì mà sao con mèo ú này mê chết lên chết xuống vậy. Suy nghĩ tới lui vẫn không đoán ra được, chẳng lẽ lại là bánh cam giống ở Việt Nam, nhưng trong truyện vẽ hình bánh rán có 2 lớp và hình như có nhân ở giữa mà bánh rán ở bên mình thì nhìn đâu có giống vậy… Sự thắc mắc không có lời giải đáp làm mình boăn khoăn mãi trong suốt những năm trung học, thời còn ngây thơ và luôn nghĩ rằng thế giới Doraemon là thế giới có thực và ước gì ngày nào đó sẽ được gặp Doraemon và được mèo máy … mời ăn bánh rán hehe … Năm tháng trôi qua, khi những thùng truyện Doraemon đã được dọn lên gác xếp thì những thắc mắc của thuở nhỏ cũng phai nhạt và được thay thế bởi những mối quan tâm và lo âu của tuổi mới lớn hihih. Mặc dầu Doraemon vẫn chiếm vị trí số 1 trong danh sách những nhân vật truyện tranh yêu thích của mình nhưng mình đã từ bỏ mơ ước được nắm tay kết bạn và cùng nhau ăn bánh rán với Mèo máy .. vì mình biết mèo máy là không có thực và…. do vậy những thứ gì liên quan đến mèo máy cũng không tồn tại trên đời ! Tuy nhiên, không phải điều gì người lớn cũng biết hết, vì món bánh rán mà Doraemon khoái ăn thì là một món có thực, tên Nhật là Dorayaki và rất được phổ biến và yêu thích ở xứ hoa anh đào.

Nói về nguồn gốc của bánh, chắc mọi người sẽ nghĩ rằng chắc do mèo máy thích ăn bánh này nên tên bánh cũng có chữ Dora.. đứng đầu giống như tên của Doraemon. Nhưng không phải vậy, trong tiếng Nhật Dora có nghĩa là cái cồng hay cái chiêng. Và sự tích kể rằng ngày xưa có 1 anh Samurai tên Benkei trong lúc trốn chạy quân địch thì ẩn nấp trong nhà 1 bác nông dân rồi sau đó để quên cái chiêng của anh ta ở đó. Thế là, bác nông dân dùng cái chiêng để nướng bánh và từ đó cái tên Dorayaki cũng ra đời (Dora: cái chiêng- yaki: nướng). Bánh Dorayki nguyên thủy chỉ có 1 lớp như bánh Pancake, nhưng dần được biến đổi và thành hình dạng như bây giờ, có 2 lớp và nhân đậu đỏ bên trong. Ở vùng Osaka hay Nara, bánh Dorayki được gọi bằng tên khác, đó là mikasa (三笠) có nghĩa là nón rơm, mà nhìn bánh này cũng giống giống cái nón rơm, nghe dễ thương hen …

Hôm nay, mình đã từ bỏ ước mơ được Mèo máy dùng bảo bối tạo ra 1 núi bánh rán mời mình ăn, mà thay vào đó mình sẽ bắt tay trộn bột, trứng, đường .. để tự tay làm bánh rán cho con Mèo Nhật mập nhà mình ăn.(í là ông xã của mình đó hihi) … 2 vợ chồng đang ngồi ăn bánh rán, uống trà xanh và xem Doraemon, và ngồi ngẫm nghĩ Ôi làm con nít thiệt là sướng biết bao !!!

Mọi người cũng thử làm Dorayaki với công thức của mình sau đây nha:

*********************************************

Nguyên liệu cho 4 cái bánh

2 cái trứng

100 gram Cake flour

1/2 teaspoon bột Baking soda

50 g đường

1 table spoon mật ong

Phần nhân đậu đỏ: 200 gram đậu đỏ Nhật (azuki beans)

Cách chế biến phần bột bánh:

1. Bột Cake flour và baking soda trộn chung và đem đi rây cho bột mịn đều

2.. Trứng cho vào tô đánh tan đều, rồi cho đường vào mix chung.

3. Mật ong chế từ từ vào hỗn hợp trên và dùng mixer đánh tan đều

4. Cho hỗn hợp bột đã rây ở 1 vào đánh chung với hỗn hợp trên rồi dùng wrap đậy lại cho vào tủ lạnh cho bột nghỉ ngơi từ 30 phút đến 1 tiếng.

Nướng bánh

1. Cho ít dầu ăn vào chảo

2. Múc khoảng 2 table spoon bột cho vào chảo, đổ bánh ra dạng hình tròn

3. Bật lửa nhỏ, khi mặt bánh xuất hiện tổ ong thì ta trở mặt bánh.

Khi mặt bánh xuất hiện tổ ong thì ta trở mặt bánh

4. Khi 2 mặt bánh chín vàng thì Ok, tổng cộng ta sẽ nướng được 8 chiếc bánh, sau đó cho bánh ra dĩa, để nguội để chuẩn bị cho nhân vào.

Cách chế biến phần nhân đậu đỏ

Nhân đậu đỏ ở Nhật có 2 loại: 1 loại là được xay nhuyễn như paste gọi là Koshi-an, và 1 loại chỉ  được tán nhuyễn ra bằng muỗng hay phới (nên sẽ vẫn còn sót lại xác đậu) được gọi là Tsubu-an. Hôm nay, bánh của mình làm sẽ dùng Tsubu -an và cách chế biến như sau:

Nhân đậu đỏ Tsubu-an . Source: Internet

1. Đậu đỏ rửa sạch và ngâm nước 24 tiếng đồng hồ

2. Cho nước vào nồi rồi đun sôi với đậu khoảng 1 phút rồi đổ nước đi. Sau đó rửa đậu bằng nước lạnh rồi tiếp tục đun sôi đậu thêm lần nữa trong 1 phút rồi lại chắt nước đổ đi. Cách đun sôi đậu 2 lần như vậy sẽ giúp loại bỏ chất bẩn trên đậu giúp đậu sau khi đun chín sẽ có hương vị trong lành, thơm ngon.

3. Cho đậu vào nồi lại, rồi đổ nước ngập hơn mặt đậu 1 tí, sau đó đun sôi nước rồi giảm lửa nhỏ để đun cho đậu nhừ, nếu nước cạn nhớ châm thêm nước.

4. Sau khi đậu chín mềm thì nêm đường cho vừa ăn và dùng muỗng khuấy đều cho đường thấm đều vào đậu, rồi nêm thêm ít muối rồi tiếp tục đun thêm 10 phút nữa cho thấm đường và đậu thật mềm nhừ thì bắt xuống bếp, cho vào tô, để nguội.

5. Cuối cùng ta dùng phới nghiền nát đậu ra.

6. Sau đó ta chia đậu thành 4 viên vo tròn rồi cho vào giữa 2 cái bánh như trong hình

Lưu ý:

Bánh Dorayki nguyên thủy có nhân đậu đỏ, nhưng theo nhận xét cá nhân của mình thì nhân đậu đỏ của Nhật rất ngọt, do vậy khi làm nhân các bạn có thể nêm đường theo ý muốn cho bánh đỡ ngọt nha. Ngoài ra, ta nên kết hợp vừa ăn bánh vừa uống trà xanh cho vị ngọt của bánh được trung hòa với vị đắng của trà tạo nên hương vị ngọt thanh thanh trên lưỡi. Thêm 1 lưu ý nữa là ngoài nhân đậu đỏ, ta cũng có thể biến tấu bằng cách cho nhiều loại nhân khác vào bánh như socola, trà xanh, cream … Hôm nào mình sẽ làm bánh nhân khác và giới thiệu cho mọi người !

Bánh đã ra lò, mời mọi người vừa uống trà vừa xơi !

Bánh giò


Có ai nghĩ rằng làm Bánh giò khó không nhỉ, nếu bạn làm thử theo công thức của mình thì bạn sẽ thay đổi suy nghĩ ban đầu ngay hihih

Phn nhân

Thịt bằm, nấm mộc nhĩ, hành tây, trứng cút luộc xào chung nêm nếm vừa ăn

Phn bt:

4 chén Nước cốt gà (hầm từ xương gà) cho vào nồi đun lên bếp.

Rồi cho hỗn hợp 1 chén rưỡi bột gạo và 1/2 chén bột năng vào khuấy đều cho nó tan bột đừng để vón cục, ốc trâu thêm 1-2 muỗng dầu, chút muối, chút xíu bột nêm nếm vừa ăn

Nhớ để  nhỏ lửa để cho bột sệt đừng chín bột nha, bắc xuống và gói thôi.

Bên Nhật mình không có lá chuối để gói nên sẽ dùng cách đơn giản hơn là để vào chén ăn cơm rồi hấp.

Phết lớp dầu trên chén rồi đổ một lớp bột, một lớp nhân và một cái trứng cút, và lớp bột rồi dùng wrap để phủ chén lại rồi cho vào nồi hấp khoảng hơn 20 phút thi chín .

Mời mọi người cùng măm !!!

Kĩ thuật căn bản làm bánh mì bằng tay


Làm bánh mì bằng tay theo mình vừa khó vừa dễ. Khó là ở chỗ nếu bạn không nắm chắc các kĩ thuật căn bản thì làm mãi cũng không thành công được, nhưng ngược lại nếu bạn đã làm quen những bước căn bản rồi thì lúc nào ta cũng làm tới làm lui những bước quen thuộc giống nhau như: cân đong nguyên liệu, trộn bột, ủ bột … Do vậy, trước khi share với mọi người công thức làm bánh mì, mình muốn giới thiệu những bước căn bản như sau. Mọi người lưu ý sau này khi share công thức làm bánh mì, mình sẽ không nhắc lại các bước này, nên mọi người xem cho kĩ, chỗ nào không hiểu thì hỏi nha.

1. Cân đong nguyên liệu: Tùy vào loại bánh mì khác nhau mà chúng ta sẽ có thành phần và tỷ lệ nguyên liệu khác nhau, tuy nhiên nguyên liệu căn bản thường không thể thiếu là Bread flour, đường, muối, men, trứng, bơ và nước. Các bạn chú ý nhớ sử dụng các dụng cụ đo lường như cân điện tử, cốc cân nước … để cân đo chính xác nhé, hãy nhớ là sai 1 ly là đi 1 dặm đó !

2. Cách sắp xếp nguyên liệu vào tô:

Sau khi cân đong xong, chúng ta cần đổ nguyên liệu vào tô để chuẩn bị cho quá trình trộn bột. Nhưng không có nghĩa là ta chỉ việc đổ 1 lần tất cả vào tô rồi trộn là xong, mà tất cả phải được sắp xếp theo thứ tự như sau:

Bread flour sau khi đong xong sẽ được chia làm 2 phần, cho vào 2 tô khác nhau

Tô A đựng 1/2 bột, muối và Bơ

Một tô A sẽ gồm 1/2 Bread flour + Muối + Bơ

Tô còn lại B sẽ là 1/2 Bread flour + Men + Đường, trứng, nước và các nguyên liệu khác nếu có. Chú ý cách sắp xếp nguyên liệu trong tô này như sau: Men và đường để cạnh nhau, trứng và các chất lỏng khác để đối diện và phải để cách biệt men và đường. Nước ( ấm khoảng nhiệt độ 40 độ, sẽ được đổ cuối cùng trực tiếp vào men)

Tô B đựng 1/2 Bột, men, đường và các chất lỏng hay nguyên liệu còn lại

Chất lỏng và trứng phải để cách xa đối diện với men. Và nước đổ vào cuối cùng trực tiếp lên men

3.  Trộn bột

Dùng phới trộn đều bột ở tô B, nhớ trộn thật đều tay cho men tan đều và không bị vón cục.

Trộn đều bột, men và các nguyên liệu ở tô B cho không bị vón cục

Khi bột, men và nguyên liệu ở tô B đã được đánh tan đều thì ta sẽ đổ phần bột, muối và bơ ở tô A vào, trộn đều tay. Sau đó, ta sẽ đổ hỗn hợp ra bàn để nhào bột.

Đổ bột, muối, bơ ở tô A vào trộn đều với tô B

Sau đó đổ bột ra bàn để nhào bột, nhớ dùng scraper để thu dọn sạch bột trong tô và trên phới trộn

4. Các cách nhào bột

Cách 1: dùng 2 tay chà bột lên xuống để bơ và các nguyên liệu được trộn đều. Trong lúc nhào bột, các bạn nhớ sử dụng scraper để thu dọn bột về cho gọn .

Cách 2: Sau khi chà đều bột thì ta vo tròn bột thành 1 viên rồi dùng hai tay đẩy qua trái và qua phải

Cách 3: Cầm viên bột lên và đập xuống bàn nhiều lần.

Mình nhào bột cho đến khi nào bề mặt của bột mịn, thì ta vo bột thành một viên tròn, rồi lấy ngón tay ấn thử nếu bột có độ co giãn hoặc khi ta kéo bột ra mà bột không bị rách thì xem như Ok. Sau đó ta sẽ vo bột thành viên tròn rồi thắt đáy bột (giống như khi ta làm sủi cảo, ta túm đầu bột lại và vo kín để khí gas không thoát ra ngoài). Rồi ta cho bột vào thau dùng wrap để đậy kín rồi đem đi ủ ở nhiệt độ 40 độ trong vòng 25 phút.

5. Cách ủ bột

Nếu nhà ai có máy ủ bột thì cứ đem bột đi ủ với nhiệt độ 40 độ trong vòng 25 phút. Nhưng theo mình nghĩ nếu các bạn không phải những người làm bánh mì chuyên nghiệp thì chắc chắn không ai sẽ sắm sửa cho mình 1 cái máy ủ bánh mì vừa mắc mà to đùng ở nhà đâu hen. Do vậy, nếu các bạn không có máy ủ bánh mì thì hãy làm theo các cách sau:

Cách 1: Mirco wave : có nhiều loại có kèm chế độ ủ bột (ở chế độ Oven nướng bánh chọn 40 độ thì sẽ tự động chuyển qua chế độ ủ bột).

–  Cách 2: Cho tô đựng bột có phủ wrap đậy kín vào thau nước ở nhiệt độ 40 độ rồi dùng bao ni lông phủ kín bên ngoài.

6. Finger test và đấm bột cho thoát khí

Sau khi ủ bột trong 25 phút và ta thấy bột đã nở ra từ 1.5 đến 2 lần với hình dạng ban đầu thì ta dùng ngón tay có phủ bột ấn 1 lỗ khoảng 3 cm vào bánh rồi rút ngón tay ra, nếu thấy bột không dính ngón tay thì Ok.

Sau đó ta dùng tay đấm khoảng 3 cái lên bột để cho khí thoát ra ngoài.

Finger test

Đấm bột để thoát khí

7. Cân và chia nhỏ bột.

Tùy vào loại bánh mì mà mình phải chia bột thành nhiều phần khác nhau.

8. Ủ bột dưới khăn ướt

Sau khi cân chia bột xong, ta vo tròn từng viên bột rồi thắt đáy bột sau đó ủ bột dưới khăn ướt trong 10 phút để bột nghỉ ngơi trước khi vào phần tạo hình.

9. Tạo hình:  Tùy vào từng loại bánh mì khác nhau mà ta sẽ có cách tạo hình khác nhau, phần này mình sẽ hướng dẫn cụ thể khi chúng ta bắt đầu làm từng loại bánh mì khác nhau.

10. Ủ bột nóng đợt 2:

Sau khi tạo hình bột xong, ta đem bột đi ủ nóng đợt 2 ở nhiệt độ 40 độ C trong vòng 25 phút cho bột nở ra hình dạng cuối cùng, rồi sau đó ta đem đi nướng

Các bạn tham khảo trước các kĩ thuật căn bản này , phần nào không hiểu thì cứ hỏi nha để chuẩn bị trước khi bước vào phần thực tập các loại bánh khác nhau nha !!!

Cách làm bánh Drop cookies


Cookie hay biscuit là tên gọi các loại bánh nướngdẹt, nhỏ được làm căn bản từ bơ, trứng,đường và bột mì. Tuy nhiên, tên gọi của các loại bánh này thay đổi ở các nước khác nhau, ví dụ ở Bắc Mỹ người ta thường gọi là cookie, còn ở Anh hay các nước dùng tiếng Anh khác thì gọi là biscuit. Riêng ở Nhật, từ cookies được dùng để gọi các loại bánh có nhiều bơ làm bằng tay hay với số lượng nhỏ, còn từ biscuit được dùng để gọi các loại bánh sản xuất công nghiệp, với số lượng lớn như các gói bánh bán ở siêu thị.

Do vậy, loại bánh hôm nay mình share công thức với các bạn sẽ được gọi là bánh cookie ờ Nhật vì là bánh home made , làm thủ công bằng tay và nướng tại nhà. Ngoài ra, bánh cookie cũng có rất nhiều loại như drop cookies, refrigerator cookies, bar cookies … Loại bánh mà mình làm hôm nay thuộc nhóm bánh drop cookies, đặc điểm của loại bánh này là được làm từ hỗn hợp bột mềm, có thể dùng đầu của muỗng ăn cơm ấn trực tiếp trên giấy nướng để tạo hình tròn của bánh. Sau đó ta có thể trang trí mặt bánh bằng cách rắc lên chocolate chips, hạt điều, cheese …Nhìn chung thì loại bánh drop cookie rất dễ làm nên mình nghĩ các bạn chỉ cần làm theo đúng công thức mình share dưới đây thì se thành công !

  • Nguyên liệu: cho 8 đến 10 chiếc bánh

1 quả trứng gà

200 gram Bột mì (Cake flour)

100 gr Bơ lạt (unsalted butter để làm bánh)

100 gr đường

Vài giọt tinh dầu vani

Toppings để trang trí mặt bánh: chocolate chips, cheese, hạt dẻ … (tùy theo sở thích)

  • Cách thực hiện:

1. Bơ lấy ra khỏi tủ lạnh, để ở nhiệt độ thường cho tan chảy, sau đó cho vào tô dùng máy đánh trứng đánh tan đều, sau đó cho đường vào đánh chung với bơ.

2. Sau khi bơ và đường đã được đánh tan đều, cho trứng vào đánh chung, rồi cho vài giọt tinh dầu vani vào để tạo mùi thơm.

3. Bột mì cake flour dùng rây để rây cho cho bột mịn rồi cho vào hỗn hợp trên

4. Cuối cùng dùng phới trộn đều bột với hỗn hợp trên . Sau đó chia đều bột thành 8 hay 10 phần, rồi rải đều lên vỉ nướng (có trải cooking sheet, giấy chuyên dụng để nướng bánh). Để tạo hình bánh, theo cách thông thường thì bạn có thể dùng đầu muỗng ăn cơm ấn bột để tạo hình tròn. Nhưng do nhà mình có mấy cái khuôn nên sử dụng đễ tạo hình bánh hình trái tim và hình ngôi sao nhìn cho đẹp mắt.

Phới trộn bột

Bột trộn với hỗn hợp bơ, đường, trứng

5. Sau cùng, rắc toppings lên mặt bánh, lần này mình sử dụng cheese và chocolate chips, nhưng tùy theo sở thích các bạn có thể sử dụng nguyên liệu khác. Cuối cùng là đem bánh đi nướng ở nhiệt độ 170 độ trong vòng 25 đến 30 phút !!!

Chúc mọi người làm bánh thành công !!!

Bánh đã ra lò rồi nè

Bánh flan


Công thức bánh flan của nhà mình như sau:

Nguyên liệu:

5 cái trứng gà

1 hộp sữa đặc khoảng 395 gram

Sữa tươi 200 ml

Nước khoảng nửa hộp sữa đặc

Nước và đường với tỷ lệ 1/4 để thắng đường caramel

Cách làm:

Đổ trứng gà vào tô và dùng đồ đánh trứng đánh tan. Sau đó cho sữa đặc, sữa tươi và nước vào trộn , đánh cho tan đều.

Hỗn hợp bánh trước khi rây

Dùng rây để rây hỗn hợp bánh cho mịn

Rây hỗn hợp cho mịn

Hỗn hợp sau khi rây rất mịn và không còn lợn cợn nữa !

Sau đó đến phần thắng caramel, thì ta cho hỗn hợp đường và nước (tỷ lệ nước với đường là 1/4) vào nồi đun sôi. Lưu ý để caramel không bị khét thì hỗn hợp đường và nước vừa sôi thì tắt lửa, rồi tiếp tục khuấy đều cho hỗn hợp chuyển sang màu vàng thì nhanh tay đổ caramel vào khuôn (nếu không nhanh tay caramel có thể bị đông cứng lại).

Sau khi caramel trong khuôn đông cứng lại thì ta đổ hỗn hợp bánh đã được rây mịn vào.

Cuối cùng cho vào nồi hấp 1 lúc sau lấy que tăm xâm vào bánh, thấy que tăm khô, không dính bột là bánh chín.

Cho khuôn bánh vào nồi hấp

Tips:

  • Ngoài ra, bánh flan làm ra có ngon hay không là cũng tùy thuộc vào nguyên liệu mình sử dụng. Mình sử dụng sữa đặc và sữa tươi của Nhật nên làm ra bánh mùi vị rất thơm ngon, do vậy nếu các bạn muốn bánh chất lượng thì tìm mua sữa tươi và sữa đặc loại ngon nha
  • Để hấp bánh không bị tổ ong thì ta nên để lửa nhỏ, và thường xuyên mở nắp bánh cho hơi nước tụ lại ở nắp bánh chảy ra ngoài và
    không chảy lên mặt bánh. Ngoài ra theo góp ý của bạn Y Phuong Ngo là ta nên dùng nắp hay wrap đậy từng khuôn bánh lại (xem như đậy nắp 2 lần) vậy thì bánh mới mịn được. Lần này mình không dùng nắp để đậy từng khuôn bánh lại nên mặt bánh rất mịn nhưng 2 bên hông bánh vẫn còn bị tổ ong. Lần sau sẽ làm thử theo ý của bạn Phương.
  • Ngoài ra, theo ý kiến của bạn Ngọc Nga là lúc thắng caramel để caramel có màu đen tự nhiên và hương vị đậm đà ta có thể thay phần nước bằng 1/2 nước và 1/2 cà phê đen. Cách thắng caramel sẽ như bình thường là cho nước vào thắng với đường, thấy hỗn hợp hơi sôi thì tắt lửa, cho cà phê vào và khuấy đều.

Cảm ơn đóng góp của 2 bạn rất nhiều và chúc mọi người làm bánh flan đại thành công !!!!

Hambagu hay Hambaga? – Phần 2


Tiếp theo phần 1, trở về chủ đề chính của bài viết, mình sẽ bày cách làm món thịt viên Hambagu (chứ ko phải bánh Hambaga của Mc Donald nha các bạn).

Nguyên liệu:

1/2 củ hành tây bằm nhuyễn (khoảng 100 gram)

200 gram Thịt bò trộn với thịt heo bằm nhuyễn (70% heo, 30% bò)

Gia vị (A): Nửa cái trứng gà; 2 table spoon bánh mì vụn; 1 ít Nutmeg; 1table spoon
ketchup; 1 table spoon sữa tươi; 1 ít muối và tiêu.

Gia vị (B): 1/2 củ hành tây băm nhuyễn; 1 ít bơ; 1 ít muối, tiêu.

Nutmeg là gia vị tạo nên hương vị riêng để làm món thịt viên Hambagu.

Cách làm Hambagu

  1. Hành tây bằm nhuyễn, cho vào lò vi sóng quay khoảng 1 phút, rồi lấy ra, để nguội.
  2. Trộn hỗn hợp hành với thịt băm nhuyễn, rồi sau đó lần lượt cho nguyên liệu trong phần A vào. Lúc nêm với muối và tiêu thì nên cho từ từ 1 ít vào thôi, sau đó để chắc ăn thì lấy 1 ít thịt cho vào lò vi sóng quay chín để nếm thử và điều chỉnh lại cho phù hợp.

3. Dùng tay trộn đều, rồi chia thành 4 viên, vo thành hình tròn nhưng hơi dẹp 1 tí nha. Tùy theo sở thích, bạn có thể chia thịt thành nhiều viên nhỏ hơn.

4. Cho khoảng 2 muỗng table spoon dầu ăn vào chảo, sau đó cho thịt viên vào chiên.
Dùng nắp đậy chảo lại trong vài giây để tạo nên sức nóng bên trong chảo để thịt chín đều nha. Sau khi thấy 1 mặt của thịt chín đều thì đổi mặt để thịt chín đều 2 mặt và không bị khét nha. Ngoài ra nhớ để lửa nhỏ thôi nếu không lớp thịt bên ngoài sẽ dễ bị cháy khét trong khi lớp thịt bên trong vẫn chưa chín.

Cách làm sauce hành tây:

Bơ cho vào chảo, đun nóng, tan đều, rồi cho phần gia vị B, gồm hành  tây   nhuyễn vào xào sơ, rồi nêm với 1 ít muối, tiêu. Sau đó đổ lớp sauce hành tây lên mặt thịt, bày ra dĩa với khoai tây chiên, cà chua, salad .. Vậy là xong rồi, mời các bạn làm thử và ăn …thiệt nha

Hambagu hay Hambaga? … Phần 1


Món này ở Việt Nam, mọi người gọi tên là gì nhỉ? Thịt bằm, meat ball, beef steak ?
Ai biết thì nói hộ tui hen.

Source: Internet

Món này ở bên Nhật gọi là ハンバーグ (Hambagu), phát âm nghe giống từ Hamburger của Mc Donald hen. Thật ra, món Hamburger của Mc donald ở bên đây sẽ được gọi là ハンバーガ (Hambaga) . Nghe thiệt là rắc rối. Tui nói thiệt tui là chuyên môn lộn giữa 2 từ này, hôm nay ngồi viết blog mà cũng phải check tới check lui cho chắc ăn đó. Bây giờ cùng nhau ôn bài lại lần nữa nè, món ăn ở dưới hình ở Nhật gọi tên là gì.

Món này gọi là Hambaga, còn miếng thịt nằm bên trong được gọi là Hambagu haha.

Lần này nay mình sẽ bày cho các bạn cách làm món Hambagu (món thịt bên trong Hamburger)), nhưng trước khi đi chi tiết vào cách chế biến món ăn, mình sẽ kể cho mọi nghe chuyện nguồn gốc của một vài món ăn ở Nhật nha! Đầu tiên, món Hambagu này chắc chắn không phải là đồ ăn Nhật, mà bắt nguồn là món ăn Tây được du nhập vào nước phù tang, rồi được đặt tên Nhật, và  trở nên phổ biến trong bữa cơm hằng ngày của gia đình Nhật luôn. Không chỉ có món Hambagu này mà có rất nhiều ẩm thực nước ngoài được du nhập, rồi Nhật hóa với tên Nhật và được biến đổi cho phù hợp với khẩu vị của người dân bản xứ. Mình thấy người Nhật rất tài trong cái việc biến ẩm thực của người ta thành “đồ riêng” của mình, đến mức độ nhiều người Nhật và lẫn cả người nước ngoài quên đi nguồn gốc thật của món ăn đó mà chỉ tưởng đó là món Nhật mà thôi.

Điển hình là món gỏi cuốn của Việt Nam mình dạo này rất phổ biến ở xứ hoa anh đào, nên được bán rộng rãi ở các siêu thị và quán ăn của Nhật với cái tên là Haru maki ( dịch theo nghĩa tiếng anh là Spring rolls). Những người Nhật nào đã từng du lịch Việt nam hoặc có am hiểu về văn hóa nước ngoài thì có thể biết được Spring rolls là món Việt Nam, còn không thì hầu như những người khác đều nghĩ đây là món mới của Nhật.

 Ví dụ như lúc mình đi học nấu ăn, hôm đó trong menu có dạy làm Haru maki và fish sauce( tất nhiên là pha fish sauce theo kiểu Nhật rồi). Lúc đó, cô giáo hỏi mình là ở Việt nam có những món ăn gì nên mình trả lời Phở , hủ tiếu, và gỏi cuốn với nước mắm giống vậy nè. Lúc đó cô giáo mới tròn xoe mắt trời ở Vnam cũng ăn fish sauce với Harumaki nữa hả???? Pó tay toàn tập luôn. Mà không chỉ có người Nhật mà ngay cả người nước ngoài, hay chính các bạn cũng đã từng hiểu nhầm nguốn gốc của 1 vài món ăn nữa đó nha, để mình đưa ra 1 số ví dụ như những hình bên dưới để mọi người kiểm chứng nha.

Gyoza- thật ra món này là món Tàu nhưng toàn bị gọi là Bánh xếp kiểu Nhật !

Source: Internet

Japanese crepe – Bánh crepe nguồn gốc từ nước Pháp nhưng du nhập qua Nhật thì được biến tấu tấu thành món dessert hấp dẫn với bên trong là kem tươi, chocolate, trái cây … Với vẻ ngoài vừa đẹp và hương vị thì rất ngon nên món crepe này được biết đến rộng rãi như món dessert nổi tiếng của Nhật.

Source: Internet

Yaki Niku – Thịt nướng kiểu Nhật. Món này thật ra là món thịt nướng nổi tiếng của Hàn quốc, nhưng khi qua Nhật thì em ấy được gắn thêm những cái mác như Thịt bò Kobe nướng, Thịt bò Hida nướng nên đã vô tình biến thành 1 trong những món ăn nổi tiếng ở Nhật. Mình nói thiệt mình mê nhất trên đời là món thịt nướng của Nhật, thịt bò của Nhật vừa mềm và thơm, ngon bá cháy luôn !

Source: Internet

Japanese curry – Curry là món ăn nổi tiếng của Ấn Độ nhưng khi qua Nhật thì được biến tấu lại với hơn 30 loại gia vị khác nhau tạo nên hương vị đặc biệt, mang nét riêng của ẩm thực xứ phù tang.

Source: Internet

Để biết cách làm món Hambagu thì đón xem tiếp phần 2, sẽ post vào ngày mai, đang viết chưa xong

(Tiếp theo xin xem tiếp bài Cách làm món Hambagu – ハンバーグ)

Miso shiru (Soup Miso)


Mở đầu cho chuỗi bài giới thiệu các món Nhật, mình sẽ hướng dẫn các bạn làm 1 món soup đơn giản nhưng truyền thống và không thể thiếu được trong bữa ăn hằng ngày của người dân Nhật Bản. Đó chính là món soup Miso , hay còn được gọi theo tiếng Nhật là miso shiru. Món miso shiru quen thuộc và gắn liền với đời sống của người dân xứ hoa anh đào đến mức theo truyền thống xưa, khi mấy anh tỏ lời cầu hôn với mấy nàng thì họ sẽ hỏi thế này: “Em có thể nấu miso shiru cho anh hằng ngày không?”. Câu hỏi trên đồng nghĩa với việc xác nhận em có muốn làm vợ anh, trở thành bà nội trợ, bà đầu bếp của anh suốt đời hay không hihih. Thật là không lãng mạn tí nào hen !

Trở lại với thành phần của món miso shiru, món này là kết hợp giữa Dashi (nước cốt dùng để nấu soup); bột Miso (đậu nành lên men theo kiểu Nhật); và các nguyên liệu khác như nấm, hành, đậu bắp, rong biển … Ở Việt nam mình, mỗi lần nấu soup hay phở, hủ tiếu thì ta thường dùng nước cốt nấu từ xương heo, ức gà hay xương bò … Vậy mà ở bên xứ phù tang này, để nấu nước cốt thì người ta thường sử dụng cá bào ra và để khô, ví dụ như cá Katsuo như hình minh họa.

Bột miso sử dụng nấu món miso shiru cũng rất đa dạng, cơ bản thì có 3 loại: Miso trắng, Miso đỏ và Mixo mix giữa 2 loại trên. Hầu như phần lớn mọi người đều sử dụng Miso trắng hoặc Miso mix để nấu soup miso vì mùi vị không quá nồng và dễ ăn. Tuy nhiên, ở khu vực Nagoya ở Kansai thì người dân thích ăn Miso đỏ hơn, điển hình là gia đình chồng nhà mình chỉ toàn ăn Miso đỏ thôi. Mùi vị của Miso đỏ hơi nồng và chua (theo cảm nhận khách quan của mình) nên ai ăn chưa quen thì sẽ rất khó ăn, thậm chí ngay cả người Nhật sống ở những vùng khác cũng không quen với mùi vị của Miso đỏ.

Về Việt nam đi ăn món Nhật mình đều cảm thấy miso shiru của hầu như các nhà hàng Nhật đều nhạt, không đậm đà. Mình thấy vô cùng ngạc nhiên vì miso shiru rất dễ nấu, thế sao họ không nấu ngon được. Cuối cùng mình cũng hiểu được lý do, để nấu được miso shiru ngon thì phải sử dụng bột miso loại ngon và nước cốt nấu từ cá bào Katsuo đậm đặc. Tuy nhiên, chắc để tiết kiệm chi phí nên hầu như mọi người đều không sử dụng nguyên liệu ngon để làm thành món ăn ngon.

Hôm nay mình sẽ bày với mọi người cách nấu soup Miso shiru của nhà mình

******************************************************************************

  • Nguyên liệu
  1. Cá bào Katsuo để nấu nước dùng
  2. Bột miso (mình sử dụng Miso mix giữa đỏ và trắng)
  3. Nấm và nghêu (có thể thay đổi thành phần khác theo sở thích)

Cá bào Katsuo và Miso

    • Chế biến
  1. 1 lit Nước  nấu sôi, cho 30 gram cá bào Katsuo cho vào đun với lửa nhỏ trong khoảng 10 phút để cá tiết ra hết chất ngọt trong nồi nước dùng

  1. Sau đó chắt phần xác cá đem đổ, rồi dùng phần nước cốt đun sôi lại.
  2. Cho nấm, và nghêu vào.
  3. Múc 1 ít miso cho vào nồi, lúc cho miso vào nồi, nhớ vặn lửa nhỏ.
  4. Cách để miso tan đều là trước hết cho miso vào muỗng canh, rồi cho 1 ít nước canh vào rồi khuấy từ từ đến khi nào miso tan hết thì thôi.

Sau cùng vặn lửa to trong vài giây, rồi tắt bếp.

Vậy là món miso shiru đã hoàn thành rồi. Quá đơn giản và dễ dàng phải không nào, mời mọi người làm thử nha !!!