Thư viện

Matcha Ice cream


Cuối tuần vừa rồi, mình đã thử nghiệm làm kem trà xanh ở nhà theo cách thủ công đơn giản, không có máy làm kem. Như thường lệ, mình mò lên Cookpad, 1 trang web về recipe của Nhật rất nổi tiếng và có uy tín ở xứ hoa anh đào thì mình tìm được 2 công thức được nhiều người vote là Ok nhất. Tuy nhiên, 2 công thức này có 1 số điểm khác nhau, 1 cái thì sử dụng trứng gà, còn 1 cái thì sử dụng bột bắp. Thế là mình bèn làm luôn 2 hộp kem với 2 công thức khác nhau (thế là đi vèo gần hết bịch bột matcha powder mới mua hic). Mỗi công thức có ưu và khuyết điểm riêng và độ xốp dẻo của kem cũng hoàn toàn khác nhau. Mình ghi chú lại 2 công thức luôn cho mấy bạn tham khảo, cũng như ưu và nhược điểm để mọi người thích thì chọn công thức cho phù hợp nhé.

Cách 1: Kem trà xanh làm từ hột gà

  •   Nguyên liệu:

10g – 20 g trà xanh, tùy khẩu vị từng người

3 table spoon nước ấm

200 ml kem tươi, chọn loại có hàm lượng chất béo cao, từ 40% trở lên

50 g đường tinh luyện Granulated sugar

3 cái trứng gà

  • Cách làm

1. Trà xanh hòa vào nước ấm cho tan đều hết, nhớ khuấy đều cho không bị vón cục

2. Cho  đường vào tô rồi dùng cây đánh trứng đánh với trứng gà cho đến khi nào hỗn hợp trứng và đường ngả sang màu trắng. Lưu ý không nên cho đường vào cùng 1 lúc mà nên chia thành 2 hay 3 phần rồi lần lượt cho vào đánh với trứng.

3. Sau đó trộn hỗn hợp ờ 1 và 2 lại với nhau, dùng cây đánh trứng trộn cho đều.

4. Kem tươi dùng mixer đánh cho thành bông kem rồi dùng Spatula múc 1/3 kem tươi cho vào hỗn hợp 3 rồi trộn đều với nhau. Lưu ý là không khuấy vòng tròn mà trộn theo chiều thẳng đứng theo kiểu gập lại với nhau.

5. Cuối cùng cho hết hỗn hợp kem tươi còn lại vào rồi dùng Spatula trộn cho đều, sau đó đổ vào hộp rồi cho vào tủ đông để đông lạnh từ 3 đến 4 tiếng

Khuyết điểm: Phải đánh trứng với đường cho ngả sang màu trắng tốn thời gian, hoặc không thích hợp với những người dị ứng với trứng.

Ưu điểm: Cách làm này tạo được độ xốp cho kem nên phù hợp với những ai thích ăn kem xốp xốp, ví dụ như chồng mình.

Kem làm theo kiểu này có độ xốp và chồng mình thì thích ăn kem làm theo cách này hơn

******************************************************

Cách 2: Không sử dụng trứng mà sử dụng bột bắp

  •  Nguyên liệu:

200 ml kem tươi có hàm lượng chất béo cao trên 40%

10 – 20 g trà xanh, tùy khẩu vị từng người

200 ml sữa tươi

14 g bột bắp

50 g đường tinh luyện Granulated Sugar

  • Cách làm

1. Cho 1 ít sữa tươi hòa tan với bột bắp cho tan đều.

Phần sữa còn lại cho lên nồi đun sôi thì tắt bếp rồi múc 1 ít sữa đun sôi ra hòa với bột trà xanh, khuấy cho đều để bột trà xanh không bị vón cục.

2. Sau đó đổ hỗn hợp bột trà xanh vào lại nồi sữa đun sôi lại lần nữa, rồi cho chén bột bắp đã hòa tan vào rồi khuấy đều cho đến khi hỗn hợp cô đặc lại thì tắt bếp, để hỗn hợp cho nguội dần

3. Kem tươi dùng mixer đánh lên cho thành bông kem, rồi sau khi hỗn hợp 2 đã nguội hẳn thì dùng phới Spatula múc kem tươi cho vào hỗn hợp 2 trộn đều theo kiểu gập từ trên xuống.

Cuối cùng đổ hỗn hợp kem đã hoàn thành vào hộp, rồi cho vào tủ đông khoảng từ 3 đến 4 tiếng.

Khuyết điểm: vì sử dùng bột bắp nên nếu bột trà xanh không được tán đều trước khi nấu chung với sữa hoặc không khuấy đều tay thì trà xanh sẽ dễ bị vón cục.

Ưu điểm: nhanh gọn lẹ vì không cần đánh trứng với đường. Kem tạo thành sẽ có vị dẻo và bột bột, tuy nhiên chồng mình thì không thích ăn kem như vậy vì ổng nói giống socola, nên vẫn chọn cách 1 để ăn kem xốp xốp thích hơn

Chén kem này làm theo cách 2 nên có độ dẻo và bột hơn, chồng mình ăn có cảm nhận dẻo dẻo giống socola hơn giống kem nên ko thích !

Coffee Jelly !


Đây là món Coffee Jelly, rau câu cà phê, trong tiếng Nhật gọi là コーヒーゼリー, món dessert này rất phổ biến và được yêu thích ở Nhật nên các bạn có thể tìm mua khắp nơi trong siêu thị hay cửa hàng convenient store bên đây.

Món rau câu cà phê này có thể được coi là bình cũ rượu mới vì cơ bản cách đổ rau câu  rất đơn giản giống rau câu mình hay đổ bình thường thôi, nhưng khác cái là cách phối hợp để ăn thì khá độc đáo. Vì ta sẽ cho sữa tươi, whipping cream hay kem và toppings các loại vào ăn cùng, vừa mát lạnh, thơm mùi cà phê và béo ngậy mùi sữa ngon vô cùng.

Coffee Jelly mua trong siêu thị. Ảnh: Internet

Còn nếu bạn không thích mua thì có thể tự làm ở nhà vì rất đơn giản, chỉ cần 3 phút là xong. Thật vậy, vì cách làm món này giống y chang cách làm rau câu của mình, chỉ khác cái là sử dụng cà phê làm nước cốt nên món jelly có vị thơm đậm đà, đăng đắng hương cà phê. Bên cạnh đó, món coffee jelly này thường được ăn kèm với sữa tươi hay whipping cream nên tạo thành 1 hương vị rất lạ, đăng đắng, thơm thơm vị cà phê cộng với béo béo, ngọt ngọt của sữa tươi hay cream.

Coffee Jelly làm xong cho vào 1 ly đầy sữa tươi để ăn là ngon bá cháy.

Hoặc bạn có thể dùng muỗng trộn đều jelly với sữa tươi ăn cũng rất lạ và ngon. Ảnh: Internet

Hoặc bạn có thể cho đầy whipping cream vào ăn béo ngậy đã lắm nhé. Ảnh: Internet !

Hoặc bạn có thể phối hợp Coffee Jelly với kem các loại để tạo nên món Parfait ngon lành

Theo kinh nghiệm nấu nướng của Mira thì có nhiều món ăn ta không cần gì phải làm cầu kì, phức tạp mà chỉ cần tạo ra một biến tấu nhỏ như chén nước chấm đặc biệt hay cho toppings độc đáo là có thể tạo ra hương vị mới lạ, độc đáo liền. Và món coffee jelly này cũng là 1 ví dụ như thế đấy, chỉ đơn giản là món rau câu nhưng với sự kết hợp giữa vị đắng của cà phê và vị ngọt béo của kem và sữa tươi tạo nên được hương vị hòa hợp, thơm ngon !

Nghe nói Sài gòn đang nóng lắm, món Coffee Jelly này vừa giúp giải nhiệt và ngon miệng, mà làm cũng rất dễ, 3 phút là xong, mọi người làm thử nhé !

 

Nguyên liệu

  • 2 table spoons bột cà phê đen instant coffee
  • 3 table spoon đường
  • 5 g gelatin
  • 300 ml nước
  • Toppings: sữa tươi hay whipping cream

Cách làm:

  •  Nước đun sôi rồi cho instant coffee và đường vào, khuấy cho tan đều, rồi tắt bếp
  • Sau đó múc 1 ít nước sôi ra chén cho gelatin vào khuấy cho tan đều, sau đó đổ lại vào nồi, đun sôi lần nữa, rồi tắt bếp.
  • Đổ hỗn hợp vào khuôn, để nguội rồi cho vào tủ lạnh 3 đến 4 tiếng cho đông lại.
  • Sau đó chan sữa tươi hay đổ whipping cream lên bề mặt rau câu để ăn cùng

Các bạn làm thử nhé ngon lắm đấy !

Và đây là cách phối hợp coffee jelly của Mira, sữa tươi, whipping cream, và toppings các loại ehhe

Và đây là cách phối hợp coffee jelly của Mira, sữa tươi, whipping cream, và toppings các loại ehhe

Ly rau câu cà phê trong hình của Mira được ăn với sữa tươi, whipping cream và toppings là hạt dẻ vụn, coconut powder và chocolate sauce, ngon và lạ miệng lắm đó các bạn.

Soy milk cake


Hôm nay mua hộp sữa đậu nành về, 1 nửa thì dùng làm đậu hủ nước đường, 1 nửa thì đem đi làm bánh soy milk cake. Bánh này cách làm giống bánh rare chesse cake, khác cái là thay thế sữa tươi bằng sữa đậu nành và không có bỏ cream cheese vào, mà chỉ xài gelatin và whipping cream thôi. Do vậy bánh có độ mịn, mềm như dạng pudding nhưng lại có hương thơm dịu dàng của sữa đậu nành hoà lẫn với vị béo của kem tươi. Nói chung là ngon và dễ làm, ai bữa giờ ngán món tàu hủ rồi thì mua sữa đậu nành về để làm thử món bánh này nhé!

Nguyên liệu : 2 đến 3 người ăn

  • 150 ml sữa đậu nành không đường
  •  3 table spoon đường
  • 3 g Gelatin
  • 1/2 table spoon nươc cốt chanh
  • 100 ml whipping cream có nồng độ chất béo từ 30 – 40%

Cách làm:

  • Hâm ấm sữa đậu nành rồi múc vài muỗng để hòa tan đều gelatin
  • Gelatin sau khi tan đều, cho lại vào nồi sữa đậu nành, rồi cho đường vào đun sôi lên cho tất cả tan đều.
  • Đợi hỗn hợp hơi nguội và đặc tí thì cho nước cốt chanh vào trộn đều
  • Whipping cream dùng mixer đánh cho lên bông kem, rồi dùng phới (spatula) múc 1/2 phần bông kem vào trộn đều với hỗn hơp sữa ở trên. Sau đó cho hết phần bông kem còn lại vào trộn đến khi hỗn hợp sữa và kem hòa đều. Cuối cùng đổ hỗn hợp vào khuôn cho vào tủ lạnh khoảng 3,4 tiếng cho bánh đặc là lấy ra ăn được rồi.

Bạn có thể trang trí trái cây như dâu , kiwi lên phía trên bánh cho đẹp mắt hoặc để ăn chung. Nếu không thì ăn bánh không cũng ngon như thường, không cần kèm thêm trái cây hay gi cả.

Tiramisu Ice cream


 

Nguyên liệu

  • 100 g Cream Cheeese
  • 100 g Mascarpone (1 loại cheese của Ý chuyên để dùng làm Tiramisu, tuy nhiên đối với món Ice Tiramisu này, nếu bạn nào ko mua được loại cheese này thì xài Cream Cheese để thay thế thì vẫn ngon như thường nhé !)
  •  1 table spoon Nước cốt chanh
  •  30 g Granulated Sugar ( dùng loại đường này khi làm bánh kẹo thì hương vị sẽ ngọt dịu và không gắt như loại đường trắng bình thường )
  • 1 cái trứng gà size L
  • 100 ml hay 100 g kem tươi whipping cream
  • 1 ít bột Cacao và bột cà phê Espresso

Cách làm:

  • Bước 1: Trộn 2 loại  cheese với nhau (nếu bạn nào chỉ xài 1 loại Cream cheese thì cho 200 g cream cheese vào tô). Cho tô đựng cheese vào giữa 1 thau nước nóng để cheese tan ra. Sau đó cho 1 table spoon nước cốt chanh vào tô cheese, dùng cây đánh trứng đánh đều cho đến khi hỗn hợp cheese và chanh tan đều và trở nên mịn, mượt!
  • Bước 2: Cho 1 cái trứng vào 1 tô khác rồi dùng cây đánh trứng khuấy đều trước, sau đó lần lượt cho 1/3 lượng đường Granulated Sugar vào mix trước cho đều, rồi cho hết phần đường còn lại vào dùng cây đánh trứng đánh cho đến khi hỗn hợp đều, mịn và ngả sang màu trắng.
  • Bước 3: Sau khi hỗn hợp trứng và đường đã mịn đều thì ta trộn 2 tô cheese ở Bước 1 và tô trứng ở Bước 2 vào với nhau, và dùng phới đảo đều lên, rồi để qua 1 bên cho nằm … chờ thời ehhe.
  • Bước 4: Kem tươi lấy ra khỏi tủ lạnh, cho vào tô rồi dùng máy đánh trứng đánh thành bông kem. Để đánh bông kem tươi, lưu ý lau sạch nước tô và dụng cụ đánh trứng, hoặc nếu được thì cho tô và cây đánh trứng vào tủ đá ướp lạnh trước. Khi đánh bông kem, lúc đầu ta chỉ cần để chế độ Slow rồi dần dần tăng tốc độ lên sau, chứ không nên để tốc độ cao ngay từ đầu vì như vậy sẽ làm kem bị nóng và khó thành bông kem !

 

  • Bước 5: Trộn 2 tô bông kem ở bước 4 và cái tô đang nằm chờ thời ở bước 3 vào với nhau, dùng phới trộn đều lên cho đến khi nào không còn thấy bông kem thì thôi !
  • Bước 6: Nếu ai thích có mùi rượu thì có thể cho 1 table spoon rượu Rhum hoặc Amaretto vào, rồi dùng phới trộn đều. Nếu ai không thích rượu hoặc ko có rượu thì không cho vào cũng không sao, sau đó đổ hỗn hợp vào nhiều khuôn khác nhau, tròn, méo, trái tim, bông hoa gì cũng được hihih.
  • Tips: Theo công thức gốc của Nhật thì đến đây là hết đem kem cho vào tủ đông, tuy nhiên Mira có thử nghiệm 1 tí bằng cách kết hợp với công thức của Tiramisu gốc như sau:

Pha 1 ly cà phê đen không đường, cho vào 1 ít rượu Amaretto hay rượu Rhum.

 – Bánh Lady Fingers (bánh sâm banh) nhúng vào ly cà phê . Nhớ nhúng thiệt nhanh, chắc 1 phần trăm của giây thôi nhé hihi, nếu không bánh sẽ mềm nhũng ra không ngon đâu.

– Bánh nhúng xong xếp vào khuôn, nếu khuôn nhỏ quá thì bẻ bánh ra thành từng miếng nhỏ rồi xếp vào khuôn cho vừa và dễ. – Đổ 1 lớp kem lên lớp bánh. Nếu bạn nào xài khuôn hơi dày thì cứ đổ 1 lớp kem rồi lại cho thêm 1 lớp bánh rồi lại 1 lớp kem, cứ thế mà bước đều nhé ! Mình đổ vào khuôn trái tim này khá cạn, nên chỉ lót 1 lớp bánh sâm banh ở dưới đáy thôi.

  • Bước 7: Sau khi đã đổ kem vào khuôn, các bạn cho kem vào tủ đông khoảng 5 đến 6 tiếng, cho đến khi nào kem Tiramisu đông cứng lại và xốp xốp như kem thì lấy ra ăn được rồi !
  • Trước khi ăn nhớ rây lên bề mặt hỗn hợp bột cacao và bột cà phê espresso (theo tỷ lệ 50:50), nhớ chỉ rây 1 lớp mỏng thôi vì nhiều quá có thể hơi đắng. Nếu bạn nào không có bột cà phê espresso thì xài bột cacao thôi vẫn được, nhưng theo ý kiến cá nhân của mình thì mix cả 2 loại bột sẽ ngon hơn nhiều !!!
  • Khi lấy kem ra khỏi tủ đông, nếu kem đông hơi cứng, thì bạn để ngoài không khí vài phút cho kem mềm tí rồi ăn là ngon tuyệt vời nhé !!!

Tùy sở thích, các bạn có thể làm theo công thức gốc là chỉ có kem thôi, hoặc chế thêm bánh Lady fingers lót như mình. Theo quan điểm cá nhân thì mình thích ăn có bánh lót như vậy vì hương vị của kem cheese hơi chua và không quá ngọt, cộng thêm hương bánh thơm mùi cà phê, rượu và giòn xốp nên tạo nên hương vị rất ngon và lạ ! Tuy nhiên, ông chồng mình thì không thích ăn bánh dạng tarte hoặc có lót sponge cake nên ổng chỉ thích ăn kem Tiramisu thôi. Nên mỗi người có thể làm thử rồi chọn cách làm phù hợp theo sở thích của mình nhé !

Sô cô la tươi trà xanh


Nguyên liệu:

150 g Sô cô la trắng (loại dùng để làm cake)

100 g kem tươi whipping cream

10 g mật ong

25 g Bơ lạt

1 tablespoon bột trà xanh

1 hộp vuông hoặc hình chữ nhật

Giấy kiếng hay giấy wrap

1 ít bột trà xanh để lăn chocolate

Khâu chuẩn bị:

Hộp hình chữ nhật lót giấy kiếng sẵn

Sô cô la trắng cắt nhỏ ra.

Bột trà xanh rây qua rây cho mịn.

Bơ lấy ra khỏi tủ lạnh để ở nhiệt độ phòng

Cách thực hiện

1. Cho whipping cream và mật ong vào nồi đun lên, để lửa to.

2. Mật ong vừa tan và cream vừa sôi lên thì tắt lửa. Rồi cho bột trà xanh đã rây mịn vào. Dùng cây đánh trứng khuấy đều.

3. Bật lửa to thêm lần nữa, vừa dùng cây đánh trứng khuấy đều đến khi hỗn hợp hơi sôi thì tắt bếp.

4. Bắt nồi xuống khỏi bếp. Trong khi hỗn hợp còn nóng thì cho sô cô la trắng vào trộn đều đến khi sô cô la tan hết. Nhớ là phải bắt bếp xuống rồi mới cho sô cô la vào, không được cho sô cô la vào lúc bếp còn lửa.

5. Sau khi sô cô la đã tan hết thì cho bơ vào và tiếp tục dùng cây đánh trứng khuấy cho đến khi hỗn hợp tan đều.

6. Đổ hỗn hợp vào khuôn có lót giấy kiếng. Sau đó lấy thêm 1 tấm giấy kiếng nữa phủ lên mặt thật kín theo kiểu ép chân không để không khí không lọt vào.

7. Cho hỗn hợp vào tủ lạnh khoảng từ 1 đến 2 tiếng cho đến khi hỗn hợp kết thành khối thì lấy ra.

8. Cho bột trà xanh rắc đều lên mặt phẳng, rồi úp 1 mặt sô cô la lên trà xanh.

Sau đó dùng rây để rây trà xanh đều lên mặt còn lại.

9. Sau cùng dùng dao cắt kẹo thành từng viên. Lưu ý vì chocolate rất mềm và dính, nên để cắt được đẹp, sau mỗi nhát cắt ta lại dùng giấy ướt để lau dao cho sạch rồi mới cắt lại nha.

Món sô cô la tươi trà xanh này phải được bảo quản trong tủ lạnh nha mọi người !

Chúc các bạn làm Nama Matcha Chocolate thành công để có món quà ý nghĩa và thơm ngon để tặng người thân yêu nhân dịp Valentine nhé !!!!

Nama Chocolate


生チョコレート- Nama Chocolate, hay Fresh Chocolate hay Sô cô la tươi, đúng như tên gọi của nó, chỉ cần cắn 1 miếng là bạn sẽ có cảm giác tươi, mát và nguyên chất liền. Lý do thứ nhất là loại chocolate đặc biệt này luôn phải được bảo quản trong tủ lạnh nên khi bạn ăn luôn sẽ có cảm giác mát lạnh. Ngoài ra cái tên sô cô la tươi 1 phần còn đến từ lý do thành phần nguyên liệu làm nên món này 30 đến 40% chủ yếu là Kem tươi (fresh cream hay nama cream trong tiếng Nhật). Nama chocolate không giống các loại sô cô la khác, vì rất mềm, rất dễ tan nên chỉ cần cho vào miệng là viên sô cô la sẽ tan chảy ra ngay … và ta cũng tan chảy ra luôn vì ngây ngất hehehhe

 Nama Chocolate có ở Nhật từ những năm 1980, nhưng bây giờ đã trở nên phổ biến ở nhiều nước khác trên thế giới. Về cách phối hợp của Sô cô la tươi thì nhiều người sẽ cho thêm 1 ít rượu rhum, sake, hay brandy để tạo hương thơm, hoặc như ở Nhật thì họ sẽ tạo ra loại sô cô la tươi trà xanh đặc biệt – Matcha Nama Chocolate.

 Hôm nay, Mira sẽ giới thiệu với các bạn trước cách làm loại Nama Chocolate căn bản nhất, với lớp phủ ngoài là bột ca cao đăng đắng. Và tuần sau thừa thắng xông lên, Mira sẽ tập làm Matcha Nama Chocolate – Sô cô la tươi trà xanh và giới thiệu công thức đặc biệt này đến các bạn sau hen !!!

Nguyên liệu:

  •  140 g Chocolate loại dùng để làm bánh (lựa loại sô cô la ngọt chứ đừng lựa loại đắng nha)
  • 45 g Bơ lạt (unsalted butter, loại bơ dùng để làm bánh)
  • 100 ml Kem tươi (whipping cream hay fresh cream)
  • 20 g Mật ong
  •  Và 1 ít bột Ca cao .

Chuẩn bị:

– Lấy bơ ra khỏi tủ lạnh cắt nhỏ, để ở nhiệt độ phòng

– Chocolate nếu bạn mua nguyên thanh thì dùng dao xắt nhỏ ra. Mình mua loại từng viên nhỏ nên cứ để thế mà xài.

– Lấy 1 cái hộp nhỏ hình chữ nhật hay hình vuông gì cũng được, bằng nhựa, nhôm hay gì cũng được; rồi dùng giấy kiếng phủ wrap bên trong hộp để sẵn.

Thực hiện:

  •  Lấy 1 cái tô cho chocolate đã cắt nhỏ vào, rồi cho whipping cream vào hòa chung, sau đó đặt lên trên miệng nồi có chứa nước. Đun sôi để nước trong nồi bốc hơi tạo hơi nóng làm whipping cream và sô cô la tan chảy đều.

  • Sau khi hỗn hợp đã tan chảy đều thì tắt bếp lửa rồi cho mật ong vào dùng cây đánh trứng khuấy đều.
  • Sau cùng thì cho bơ đã cắt nhỏ vào dùng cây đánh trứng mix đều đến khi bơ tan chảy hết và hòa đều vào hỗn hợp.
  • Khúc này, các bạn có thể cho thêm 1 teaspoon rượu rhum hay sake hay brandy rồi khuấy đều để tạo hương thơm cũng rất độc đáo. Tuy nhiên, trong mẻ này Mira ko cho rượu vào vì nhà … hết rượu heheh
  •  Đổ hỗn hợp trên vào hộp đã có lót giấy kiếng.

  • Sau đó dùng thêm 1 miếng giấy kiếng nữa phủ lên mặt hỗn hợp chocolate, ém chặt giấy kiếng cho dính sát vào bề mặt sô cô la để không khí không lọt vào được

  •  Cho hộp vào tủ lạnh (ngăn lạnh bình thường, chứ ko phải ngăn đá nha) ướp khoảng 1 tiếng đồng hồ cho sô cô lạnh cứng lại.
  •  Rải đều bột ca cao lên giấy cooking sheet hoặc giấy kiếng , rồi sau khi chocolate đã hơi cứng lại sau 1 tiếng thì ta gỡ 1 mặt giấy kiếng rồi úp nguyên miếng sô cô la lên bột ca cao.

  •  Rồi ta gỡ luôn tấm giấy kiếng của mặt còn lại phía trên, cho bột ca cao vào rây rồi rắc đều lên phía trên bề mặt sô cô la.

Cuối cùng các bạn dùng dao cắt sô cô la thành từng viên. Vì sô cô la rất dính dao nên để cắt sô cô la đẹp và ngon, sau khi cắt 1 nhát dao thì lại dùng khăn giấy ướt lau sạch dao, rồi tiếp tục cắt tiếp nhé.

Món nama chocolate này phải được bảo quản trong tủ lạnh. Các bạn có thể bỏ vào hộp đem tặng bạn bè như hình minh họa dưới của bạn của Mira – MOF,  hoặc cho ra dĩa để “xực” liền như hình của Mira chụp nha.

Hình minh họa Sô cô la tươi Koibito của MOF, bạn của Mira ở Sài gòn

Còn đây là sô cô la tươi Mira tự làm, cho ra dĩa để ăn liền, không tặng ai hết ehhe...Mấy viên kẹo màu rắc trên chocolate chỉ dùng cho mục đích chụp hình cho đẹp chứ không ảnh hưởng gì đến chocolate hết nha

Sáng sớm tỉnh dậy lôi Nama Chocolate, với lớp phủ Cacao ra ăn tiếp, tiện thể chộp thêm 1 tấm hình nữa

Custard Cream Crepe


  • Nguyên liệu cho vỏ bánh crepe:

75 g Cake Flour

35 g Đường

2 cái trứng gà

250 cc sữa tươi hâm lên cho âm ấm

15 g Bơ lạt

1 miếng Sponge cake đường kính 18 cm, độ dày 5 đến 7 mm

Chảo không dính để tráng bánh đường kính 18 cm

Cách trộn bột và tráng bánh crepe: như trong bài Cách tráng bánh crepe (chỉ cần thay thế 1 teaspoon đường và 1/2 teaspoon muối bằng 35 g đường).

Xin vào xem lại link sau:

https://mirachankitchen.wordpress.com/2012/01/26/cach-trang-banh-crepe/

Nếu sử dụng chảo với đường kính 18 cm thì bạn sẽ đổ được khoảng 10 – 12 cái bánh crepe.

Bánh crepe sau khi tráng xong thì để qua bên cho nằm … chờ đến lượt lên dĩa … để trét kem lên ehheh

  •        Nguyên liệu cho phần cream: 

2 cái lòng đỏ trứng gà

50 g đường

200 cc sữa tươi

20 g Cake flour

1 ít Vanilla essence

10 cc rượu rhum

200 g kem tươi Whipping Cream

4 g Bột Gelatin ngâm vào 16 cc nước lạnh

1/2 teaspoon White Chocolate powder để trang trí trên mặt bánh.

Cách làm Custard Cream với hương rượu Rhum:

1. Sữa tươi cho vào nồi hâm nóng rồi để qua 1 bên.

2. Lòng đỏ trứng gà cho vào tô, dùng cây đánh trứng đánh đều với 50 g đường cho đến khi nào hỗn hợp thật đều, mịn và có màu ngả qua trắng.

3. Cake flour sau khi rây mịn thì cho vào hỗn hợp trên, mix đều cho đến khi không còn thấy bột nữa mà đã trộn đều thành hỗn hợp mịn màng.

4. Sữa sau khi đã đun ấm cho 1/3 vào hỗn hợp trên, trộn đều trước rồi sau đó cho hết phần sữa còn lại vào dùng cây đánh trứng mix đều.

5. Dùng rây để rây hỗn hợp  cho hết lợn cợn rồi cho lên nồi để lửa Medium, dùng phới khuấy đều trong vài giây, rồi bật lửa to khuấy đều  trong thời gian ngắn cho hỗn hợp trên cô đặc lại.

6. Sau đó đổ hỗn hợp ra dĩa, dùng wrap bọc và ém chặt giống như theo kiểu hút chân không, để cho không khí không lọt vào, rồi cho vào tủ lạnh để ướp lạnh khoảng nửa tiếng.

7. Hỗn hợp kem custard trên sau khi ướp lạnh thì đổ ra tô dùng phới khuấy đều rồi cho vanilla essence và rượu rhum vào.

8.  4 g bột Gelatin ngâm trong 16 cc nước lạnh, rồi cho nguyên cốc Gelatin vào nước ấm khoảng 70 độ C cho tan đều. Sau đó, 200 g Whipping Cream dùng mixer đánh thành bông kem, trong lúc đánh thì cho từng phần Gelatin vào để đánh chung.  Kem tươi sau khi đánh xong cho từng ít, từng ít vào hỗn hợp custard cream rồi dùng phới trộn đều lên.

Lưu ý: Nếu làm custard cream khó qua thì các bạn có thể chỉ cần sử dụng whipping cream đánh lên với Gelatin, đường rồi trộn với trái cây yêu thích để làm nhân cũng được. Nhưng nếu làm được custard cream với hương rượu rhum như mình hướng dẫn thì sẽ ngon hơn

  • Cách trét kem lên bánh:
  • Miếng sponge cake cho lên đĩa xoay để trét bánh kem, rồi dùng dao trét bánh kem trét 1 lớp kem lên sponge cake trước, chừa lại vành ngoài của bánh khoảng 5mm không trét kem.
  • Rồi sau đó cho lớp bánh crepe lên dùng tay ấn chặt xuống lớp sponge cake để không khí không vào , rồi lại trét kem lên bánh crepe, rồi lại cho 1 lớp bánh crepe khác lên, nhưng chỉ cần đặt nhẹ lên chứ không cần ấn chặt như trước. Và cứ thế mà làm, đến lớp bánh cuối cùng thì lựa chiếc bánh đẹp nhất để phủ lên mặt.

Lưu ý: Có nhiều loại Milk crepe mình ăn ngoài tiệm không có lớp Sponge cake phía dưới cùng, mà trực tiếp sử dụng lớp bánh crepe làm lớp cuối, nên tùy ý thích và điều kiện mà các bạn điều chỉnh cho phù hợp.

  • Cuối cùng thì rắc White chocolate powder lên bề mặt bánh.
  • Khi ăn thì ta cắt bánh thành từng khoanh nhìn rất đẹp mắt

 

 

Cách tráng bánh crepe


Trước khi tập làm bánh Milk crepe, mình muốn giới thiệu với các bạn lịch sử bánh crepe và cách tráng bánh cũng như những kiểu phối hợp bánh crepe đơn giản khác trước.

1. Lịch sử và nguồn gốc bánh Crepe:

 

Bạn của mình ở Sài gòn là Nana Crepes có bài viết khá hay về bánh crepe, nên đợt này mình lười và “tạm mượn” bài viết của bạn để chia sẻ cho các bạn tham khảo như sau:

Bánh Crepe xuất xứ từ nước Pháp , một món ăn đặc sản của vùng Bretagne trong thời kỳ lúa mỳ khan hiếm và người nông dân làm crepe thay cho bánh mỳ. Khởi nguồn từ một loại điểm tâm của Pháp, thường chỉ được dùng với đường hoặc mật ong .Vỏ bánh chủ yếu làm từ bột mỳ, trứng, sữa, tráng trên một chảo phẳng. Vỏ bánh sau khi tráng mỏng cuốn cùng nhân ngọt, mặn rất khác nhau.

Thưởng thức bánh Crepe  với chút rượu táo ngon tuyệt từ vùng Bretagne, chỉ thoáng qua chút tê tê nơi đầu lưỡi, rồi ngay tức khắc tràn đầy cảm giác khoan khoái, ngọt ngào khắp khoang miệng như hương vị của những trái táo chín đỏ trong mùa bội thu. Đó là lý do vì sao khi đặt chân đến nước Pháp không thể bỏ qua việc thưởng thức món bánh Crepes.

Bánh Crêpe được gắn liền với các lễ hội khác nhau tại các nước khác nhau.

Tại Pháp vào ngày 2/2 hàng năm người ta tổ chức lễ hội bánh crepe ở khắp nơi. Đối với người dân thuộc xứ Bretagne, miền bắc nước Pháp và Anh Quốc xưa, gọi lễ hội này là lễ hội Imbolc (Lễ hội mùa đông) .Theo tiếng Latin người ta còn gọi là lễ hội Festa Candelarum. Với sự chứng giám của Thánh Brigid, những người nông dân sẽ cầm bó đuốc chạy vòng quanh các cánh đồng và cầu nguyện đức thánh thần phù hộ cho những vụ mùa sau. Người ta tạo những chiếc bánh Crepes thơm ngon và đầy màu sắc trong suốt lễ hội. Một số nơi họ tổ chức rông lớn và dành cho tất cả mọi người đến tham quan và ăn uống, nhảy múa.

Theo truyền thống cũng như lịch sử được biết đến từ thời La Mã. Lễ hội với mong muốn cũng như ý nghĩa vui vẻ, may mắn. chiếc bánh Crepe màu vàng tượng trưng cho sự thịnh vượng.

Ngày nay, lễ hội này phổ biến ở rất nhiều nước trên thế giới, với cùng một ý nghĩa, tiễn biệt mùa đông lạnh giá, đón mùa xuân mới với sự phồn vinh và thịnh vượng.

Bánh crepes đến nay đã có hơn 500 năm tuổi và đã xuất hiện rộng khắp tại nhiều quốc gia trên thế giới từ Pháp, Ý, Ấn Độ và cả Nhật Bản như một món ăn chơi được ưa chuộng.Tại mỗi nơi, đầu bếp lại có cách chế biến và sáng tạo khác nhau để tạo thương hiệu bánh crepes đặc trưng của riêng mình.

Bảo sao ẩm thực Pháp nổi tiếng là tinh tế. Nhưng khi mà món ăn còn được con người biết đến, xã hội còn phát triển ,văn hóa, sự tìm tòi và khả năng sáng tạo đã khiến cho những món ăn không còn đơn thuần ở trạng thái nguyên bản nữa mà được thay đổi, cách tân cho phù hợp.

Món bánh này đúng là của Pháp nhưng từ khi đến với nước Nhật ,qua ban tay người Nhật đã nâng nó lên một bậc và mới trở  thành 1 món ăn phổ biến dành cho giới trẻ .Với cách lựa chọn và kết hợp các nguyên liệu một cách mới lạ, trẻ trung như kem, kem tươi, hoa quả tươi và xốt sô cô la…, Crepe đã được thổi một sức sống mới và được các bạn trẻ trên toàn nước Nhật yêu mến.

Sự sáng tạo của bánh Crepes Nhật quả thực rất quyến rũ. Hấp dẫn và ngon miệng.

Crepe có sắc vàng nhẹ có cách chế biến nhanh gọn, chẳng mất nhiều thời gian, vỏ bánh nóng hổi, thơm lừng mùi bơ sữa.. Crêpe ngọt kẹp cùng dâu tây chua chua ngọt ngọt và kem Hokkaido mát lạnh quyến rũ vô cùng đủ làm vừa lòng những người hảo ngọt hay như dùng chung với jambon, thịt gà, phomai cũng ngon không kém.

Một cửa hàng bánh Crepes dễ dàng được nhận ra từ xa bởi mùi thơm ngọt ngào của bánh.

Ăn bánh CREPES còn thú vị ở chỗ là có thể nhìn thấy bàn tay đầu bếp điêu luyện trổ tài làm bánh ngày trước mắt bạn. Chiếc bếp tròn nóng hổi đã sẵn sàng, đầu bếp sẽ tiến hành đổ bánh, tráng bánh, lật bánh, hoàn tất khâu làm vỏ bánh trong tíc tắc. Mùi bánh tráng lên thơm nức sẽ làm bạn thấy muốn ăn ngay. Sau đó, là khâu xếp nhân bánh theo yêu cầu bạn chọn lúc ban đầu!

Đối với việc làm bánh Crepes, việc tráng bánh là rất khó, người học phải học và thực hành đến mấy tuần mới thuần thục và tráng được món bánh mỏng tan, giòn, và thơm ngọt theo đúng phong vị của người Nhật.

Nhân ngọt được kết hợp đa dạng với kem Gelato vị Matcha (trà xanh), Vanilla, Phúc bồn tử,…v..v.. cùng các loại trái cây tuyển chọn, các loại mứt, hạt dẻ, chocolate chips, sốt đậu đỏ,…đặc biệt là các loại bánh Phô Mai, Chocolate Brownies, …Nhân mặn được kết hợp theo phong cách Nhật Bản với gà sốt Teriyaki, cà ri Nhật cá ngừ, Tôm sốt mayonaise,…

Chỉ đơn giản thế là đủ làm nên những chiếc bánh crepe thơm ngon khiến chúng ta như được sống trong tuổi thơ của cậu bé Remy trong tác phẩm nổi tiếng “Không gia đình”.

Nguồn bài viết: Nana’s Crepes – Tòa nhà thương mại Cresent Mall, 101 Tôn Dật Tiên, Q.7, TP.HCM

http://www.facebook.com/nanascrepes

2. Cách tráng bánh crepe

Sau khi nghe bạn Nana kể chuyện nguồn gốc bánh Crepe rồi thì giờ các bạn hãy cùng Mira tập tráng bánh crepe theo công thức sau nhé

Nguyên liệu:

75 g Cake flour

2 cái trứng gà

15 g Bơ

250 cc sữa tươi (đun lên 1 tí cho sữa ấm, ko xài sữa tươi lạnh)

1 teaspoon đường

1/2 teaspoon muối

Cách tráng bánh:

  • Bơ cho vào chảo ở lửa vừa, đun chảy, để nguội
  • Cake flour rây cho mịn rồi cho vào tô, mix đều với đường và muối.
  • Sau đó cho trứng gà vào, dùng cây đứng trứng mix cho hỗn hợp đều và mịn.
  • Rồi cho sữa vào hỗn hợp trên. Lưu ý, ko cho sữa vào hết trong cùng lúc mà chia thành 2 lần, rồi dùng cây đánh trứng mix đều
  • Cuối cùng cho bơ đun chảy vào và đánh đều lên.
  • Dùng chảo không dính, quét 1 lớp bơ mỏng lên chảo, rồi múc khoảng 1 muỗng canh bột tráng đều lên chảo.
  •  Khi bánh chín và tróc chảo, thì ta trở mặt bánh.

Để trở mặt bánh, những đầu bếp chuyên nghiệp sẽ dùng thủ thuật hất chảo cho bánh văng lên cao, rồi rớt xuống, trở mặt lại.

Nhưng mình không phải đầu bếp chuyên nghiệp nên sẽ dùng cách sau:

Tay trái cầm 1 chiếc đũa bắt ngang chảo, tay phải cầm 1 chiếc đũa khác khều phía trên bánh rồi cho vắt lên chiếc đũa bắt ngang.

Sau đó, tay trái nâng chiếc đũa bắt ngang lên và cùng lúc dùng chiếc đũa cầm ở tay phải để trở ngược mặt bánh lại.

Mặt bánh sau khi trở ngược nướng thêm vài giây nữa thì ta đổ bánh ra dĩa.

Cách đổ bánh ra dĩa là ta cứ để bánh chạy tự do ra dĩa, không cần quan tâm đến hình dáng của bánh.  Rồi sau khi bánh nguội bớt thì ta dùng tay để duỗi bánh ra hình tròn sau. Và sau đó ta tiếp tục nướng bánh khác, rồi lại đổ ra dĩa chiếc bánh này chồng lên chiếc bánh kia.

3. Các cách phối hợp bánh Crepe

Như đã giới thiệu trong phần lịch sử của bánh crepe là ở Nhật có rất nhiều cách phối hợp bánh crepe thú vị và hấp dẫn, như cho kem tươi, trái cây, salad, thịt xông khói, etc. lên trên bánh. Để hiểu rõ, các bạn có thể xem hình 1 số loại bánh crepe mà mình sưu tầm trên Internet như sau:

Bạn có thể cho kem, dâu tươi, whipping cream lên bánh để tạo thành món dessert hấp dẫn và ngon miệng

Hoặc bạn có thể cuộn tròn bánh crepe lại giống cây kem cầm ăn , cũng rất sáng tạo và độc đáo đó

Hoặc phối hợp với ham, cheese để làm thành món salad hấp dẫn

Khi tráng bánh crepe quen rồi, mình sẽ giới thiệu với các bạn cách phối hợp bánh khó hơn, đó là làm bánh Custard Cream Crepe.

Nguyên liệu làm bánh Custard Cream crepe có khác với công thức trên 1 tí, nhưng cách tráng bánh cơ bản vẫn như nhau. Nên các bạn tập tráng bánh crepe trước thì khi làm bánh custard cream crepe sẽ dễ dàng hơn.

Chúc các bạn thành công !!!