Thư viện

Bún mắm – Lẩu mắm


Mấy hôm nay mình về Việt Nam ngoài chuyện ăn hàng, đi chơi, dạy nấu ăn thì Mira cũng tranh thủ đi học nấu ăn nữa đó mọi người. Bữa giờ tầm sư học đạo luyện được nhiều bí quyết nấu chè ngon khủng khiếp, nhưng ở bên đây ko có đầy đủ đồ nghề set up để chụp ảnh nên cũng lười post công thức hihih .. Hôm nay nhân dịp ở nhà nấu món Bún mắm thì mình cũng học được cách làm món này .Ăn ngon và ghiền quá nên chịu không nổi nên phải chạy lên để share công thức nấu liền cho các bạn nè… Đáng lẽ công thức này phải post vào nửa đêm thì mới đúng danh hiệu Sát thủ lúc nửa đêm, mà tại tối nay có hẹn nên đành phải post hình sớm 1 tí hihih … Nên bây giờ ai xem hình xong mà thấy thèm thì vẫn còn kịp đó, chạy ra tiệm ăn liền 1 tô hen!

Nguyên liệu: cho khoảng 6 -7 người ăn

– 250g mắm cá sặc

– 250g mắm cá linh

– 300 g xương heo

– Mực

– Cá lóc hay cá Basa

– Tôm

– Thịt heo quay

– 5 tép sả đập dập

– sả bằm và ớt bằm

– cà tím cắt miếng nhỏ

– Thơm xắt lát

–  Bún tươi

– Rau đắng, kèo nèo, rau muống bào nhuyễn, bắp chuối

Cách làm:

– 300 g xương heo nấu với chừng 1 lít nước, để lửa nhỏ, vớt bọt liên tục.  Sau khi chất ngọt của xương đã tiết ra hết thì ta chắt nước dùng,vớt bỏ xương.

– 250 g mắm cá sặc và 250 g mắm cá linh nấu chừng với 1 lít nước, nhỏ lửa cho đến khi xác cá rữa nát. Lọc lược qua một túi vải thưa.

– Sau đó hoà từ từ nước nấu mắm vào nồi nước  xương.  Có thể một phần nước xương+ một phần mắm và nấu lên cho sôi sau đó để riu lửa. Tuỳ thích nêm nếm lại hỗn hợp cho đậm đà.

– Cho sả đập dập vào nồi nước và cho thơm xắt lát vào nấu chung để vị thơm và xả làm dịu bớt đi vị hăng của mắm.

– Cà tím xắt vạt xéo và cho vào nồi mắm luôn.

– Khi nồi nước dùng sôi lên thì ta xào hỗn hợp ớt và xả bằm xào với 1 ít dầu ăn  vào nồi.

– Cá, tôm lột vỏ, mực làm sạch và khi nào chuẩn bị ăn thì hãy nhúng vào trong nước mắm để nồi mắm ngọt nước và đậm đà hơn.

– Thịt heo quay chặt miếng vừa ăn .

Cách ăn:

1. Bún mắm:

  • Hâm bún cho nóng rồi cho vào tô
  • Bỏ cá, tôm, mực đã trụng/nhúng chín trong mắm vào tô, thịt heo quay.
  • Sau đó chan nước vào tô có thêm cà tím nữa.

Bún mắm ăn kèm với rau muống bào,rau đắng, kèo nèo, giá.. Nước chấm thì có thể là nước mắm mặn hay nước mắm me.

2. Lẩu mắm:

Chúng ta cũng có thể ăn bún mắm theo dạng lẩu. Và khi trình bày bún mắm ở dạng lẩu thì ta cần chuẩn bị nhiều nước nấu mắm hơn bình thường và cần nêm nếm lạt hơn 1 tí. Vì hồi nữa khi ta nhúng các đồ ăn khác vào lẩu thì nồi mắm sẽ dần mặn và đậm đà hơn.

– Dọn nước mắm trong nồi lẩu và cho trước vào cà tím, thơm cắt nhỏ.

– Bún tươi dọn ra dĩa riêng. Rau các loại cho ra 1 dĩa riêng và tôm, mực, cá, thịt heo quay cho ra dĩa khác nhau.

– Khi ăn tuỳ ý nhúng rau, các loại thực phẩm vào nồi lẩu sôi.

Hột vịt lộn xào me


Món này hôm trước ở nhà ăn tiệc, mấy cô mấy chú làm, mình đã ghi lại công thức nhưng hôm nay mới post lên. Hột vịt lộn xào với me chua chua ngọt ngọt tạo nên hương vị độc đáo, càng ăn càng ghiền ! Mà cách làm thì rất đơn giản, hôm nào mọi người rảnh thì mời trổ tài hen !

Nguyên liệu để làm nước me

250g me

1 lít nước

400 g đường

1 muỗng cà phê muối

Nửa muỗng cà phê bột ngọt

 

Cách làm nước me:

  • Me cho vào nước lạnh bóp cho me tan rồi đem lên nấu sôi.
  • Nước me nấu sôi xong để nguội rồi lược lấy nước.
  • Sau đó bắt lên bếp nấu lại cho sôi, rồi nêm nếm với muối, bột ngọt, đường cho vừa ăn.
  • Rồi cho 1 ít bột năng vào để tạo độ sệt.

Phần nước me này rất nhiều có thể làm được 30 trứng vịt lộn nên ta có thể giữ nước me trong hũ rồi bỏ vào tủ lạnh. Khi nào cần xào với hột vịt lộn thì lấy đủ liều lượng ra xài.

  • Trứng vịt lộn luộc chín rồi đập lấy trứng, nước hột vịt lộn vẫn giữ chứ đừng đổ đi.
  • Cho dầu ăn xào với tỏi bằm và ớt rồi cho hột vịt lộn vào xào cho săn lại.
  • Rồi cho nước me vào để lửa lớn cho nước me kẹo lại, nêm nếm vừa ăn rồi bắt xuống.
  • Hột vịt lộn cho vào chén với nước me và rắc lên trên rau răm, hành phi, đậu phộng. Ăn không ngon không lấy tiền.

 

Cơm chiên dương châu


Hôm trước nhà mình ăn tiệc và mình có phụ với gia đình làm nhiều món nên có học được 1 số cách nấu một vài món ăn. Hôm nay mình sẽ share với mọi người trước món Cơm chiên dương châu. Món này có nhiều màu sắc nhìn vô cùng bắt mắt, hương vị thì dễ ăn và ngon khỏi chê rồi mà cách làm vô cùng đơn giản. Mọi người hôm nào rảnh thử trổ tài nhé!

Mà món cơm chiên dương châu này hôm đó nhà mình làm với “số lượng lớn” cho đại gia đình ăn nên không có ghi chú lại số lượng và thành phần nguyên liệu rõ ràng, mà chỉ có nêm nếm theo kinh nghiệm thôi các bạn nhé !

Nguyên liệu:

  • Cơm nấu chín rồi để nguội cho vào tủ lạnh qua đêm.
  • Lòng đỏ với lòng trắng trứng gà tách riêng rồi đánh nhuyễn.
  • Chả lụa, đậu que, cà rốt, lạp xưởng xắt hột lựu.
  • Hành tỏi xắt nhuyễn và dầu ăn.

Cách thực hiện:

  • Cơm để trong tủ lạnh lấy ra để cho nguội, bớt lạnh rồi dùng tay hay muỗng tán cho hạt cơm được tơi.
  • Sau khi cơm đã bớt lạnh và tơi thì ta trộn với lòng đỏ trứng gà thật đều để nhuộm cho hạt cơm có màu vàng.
  • Sau đó ta nêm nếm với bột nêm và ít muối rồi trộn đều để gia vị thấm đều vào cơm.

Tips: Khi bạn chiên cơm với số lượng lớn thì nếu ta sợ lúc đảo cơm trên chảo không giúp gia vị thấm đều vào hạt cơm thì ta nên trộn gia vị vào cơm trước khi cho lên chảo chiên. Rồi sau đó dùng tay bốc và trộn lên cho cơm có màu vàng của lòng đỏ trứng thật đều, đẹp và gia vị được trộn và thấm đều thật ngon.

  • Lòng trắng trứng gà còn dư thì ta cho vào chảo chiên rồi xắt nhuyễn hay xắt sợi.
  • Cho ít dầu ăn vào chảo rồi cho hành tỏi vào xào cho thơm. Sau đó ta cho đậu que, cà rốt, lạp xưởng vào chiên sơ. Sau cùng cho thêm chả lụa và lòng trắng trứng gà vào, rồi nêm nếm với muối, bột nêm cho vừa ăn, rồi đổ vào tô cho qua 1 bên nằm ..chờ thời hihih
  • Tiếp theo, cho cơm trộn với lòng đỏ trứng gà và đã có nêm nếm gia vị vào chảo dầu chiên cho cơm và trứng chín đều.
  • Rồi cho đồ ăn đã chiên hồi nãy vào trộn đều với cơm rồi đảo và trộn cho đồ ăn và cơm thật đều.
  • Sau cùng, ta nêm nếm lại cho vừa ăn.

Vậy là xong rồi, cơm chiên dương châu có màu sắc rực rỡ và hương vị  thơm ngon, rất dễ làm và dễ ăn. Nếu bạn sợ ăn cơm chiên dầu mỡ có cảm giác nóng và khô thì nhớ kèm theo cơm là dưa leo và cà chua xắt mỏng. Bảo đảm vừa bổ vừa ngon. Mời mọi người thử trổ tài nha !

Chè thưng hạt sen !


Công thức nấu chè thưng này được mình tham khảo trên Internet thấy hay và hợp lý nên tổng hợp lại. Món chè Nam Bộ này ăn nóng hay lạnh đều ngon, mời các bạn cùng trổ tài để có được món giải khát ngon miệng trong những ngày nóng bức nhé !

Nguyên liệu

  • 100 g Hạt sen (hay đậu phộng) ngâm nước qua đêm cho mềm.
  •  100 g Đậu xanh cà ngâm nước lạnh rồi xả sạch
  • 50 g Bột bán và bột khoai, ngâm nước lạnh.
  • 20 g Nấm mèo ngâm nước cho nở
  • 400 g dừa nạo vắt lấy nước cốt và nước dảo. Lúc nạo lấy nước cốt dừa nên dùng nước ấm để vắt thì sẽ lấy được hết nước cốt
  • Có thể cho thêm: khoai môn, khoai lang và dừa tươi xắt sợi, tùy theo sở thích.

Cách chế biến:

  • Hạt sen sau khi ngâm mềm thì luộc hay hấp chín
  • Đậu xanh cà cũng hấp chín
  • Bột bán, bột khoai cũng luộc chín rồi xả nước lạnh
  • Nấm mèo sau khi nở luộc chín rồi xắt sợi.

—> Nói chung tất cả các nguyên liệu trước khi cho vào nấu chung cần phải sơ chế trước hết.

  • Sau đó, cho nước dảo dừa lên nồi đun sôi rồi cho tất cả các nguyên liệu đã luộc chín vào. Lưu ý không sử dụng nước lọc để nấu chè, vậy thì chè mới béo được.
  • Rồi sau cùng sau khi các nguyên liệu đã chín đều thì ta cho đường cát trắng, hay đường phèn vào nêm nếm vừa ăn.
  • Cuối cùng mới cho nước cốt dừa vào sau cùng và chờ chè sôi trở lại là được

Muốn nồi chè đậm đà, bạn có thể cho thêm chút muối và hương vani cho thơm.

Ngoài ra, bạn có thể cho dừa non xắt sợi vào, ăn lạ miệng và ngon lắm. Bên đây không có dừa non nên mình cho vụn dừa khô vào ăn giòn giòn thơm thơm ehehhe

Măng kho thịt


Mời mọi người ăn bữa tối đạm bạc của người con xa quê: cơm nóng với kim chi và măng kho thịt ehhe.

Mà dạo này ngộ lắm nha, mình lấy chồng Nhật chứ có phải chồng Hàn đâu, mà dạo này mê ăn kim chi thấy ớn. Bữa cơm ngày nào cũng có kim chi, ăn gì cũng cho kim chi vào, nhất là đang mùa đông lạnh lạnh ăn kim chi ngon bá cháy, đã vậy kim chi bên Nhật ngoài siêu thị bán đầy rẫy mà ngon vô cùng. Nên hôm nay cũng không ngoại lệ, thịt kho măng, cơm nóng và kim chi, ngon nhức nách bà con ơi. Hôm nào rảnh sẽ tập làm kim chi sau, còn giờ share công thức món măng kho thịt trước, rồi sau đó đi xem phim Nữ thần Lee Kim Chi của ngày xửa, ngày xưa hahha (í sao không có liên can gì nhau hết vậy ta? hihi)

Nguyên liệu:

200 g thịt heo ba rọi

100 g măng tươi

4 tép hành lá

Gia vị nêm nếm; tiêu, nước mắm, bột nêm, đường, tỏi bằm

Cách làm:

Chuẩn bị:

  • Hành lá rửa sạch, phần trắng đập giập để ướp thịt, phần xanh xắt nhỏ.
  • Thịt heo rửa sạch, xắt miếng hình chữ nhật, ướp với 1 muỗng súp nước mắm + 1 muỗng cà phê bột nêm + phần trắng của hành lá đập giập + tỏi bằm + 1 muỗng cà phê đường + 1/2 muỗng cà phê muối + 1 ít tiêu. Để thịt thấm khoảng 30 phút.
  • Măng: rửa sạch, xắt nhỏ miếng vừa ăn và luộc trong nước sôi pha ít muối, rồi xả nước lạnh.

Chế biến

  • Chảo nóng cho 2 muỗng súp dầu ăn + 1 muỗng súp đường thắng cho đường hơi vàng thì cho tỏi bằm và phần xanh của hành lá vào đảo đều cho thơm.
  • Sau đó cho thịt đã ướp vào đảo đều. Tiếp đến cho măng và 1/2 chén nước lạnh (nếu có thì cho nước dừa xiêm càng ngon), để lửa riu riu, kho cho đến khi thịt và măng chín mềm.
  • Nếu nước kho cạn có thể châm thêm rồi cuối cùng nêm nếm lại với tiêu + đường + bột nêm + nước mắm cho vừa ăn rồi bắc xuống.

Món măng kho thịt heo này ăn kèm với kim chi và cơm nóng vừa cay cay, nồng nồng, ngon bá cháy

Chè đậu xanh bột báng và nha đam


Nhân dịp hôm trước đi siêu thị mình thấy có bán 1 thanh nha đam tươi ngon quá nên bèn khinh về và nghĩ ngay đến việc nấu món chè đậu xanh bột báng và nha đam ! Món này ăn không những giải nhiệt, mát và tốt cho sức khỏe mà còn rất ngon nhé. Món chè này vừa có mùi thơm phưng phức của đậu xanh, bùi bùi những viên bột báng li ti và bé xinh, và còn có thêm những viên nha đam nho nhỏ, nhìn trắng tinh như giọt sương sớm còn ăn thì giòn giòn, xực xực, ngon vô cùng ! Ăn xong chén chè hả hê quá bà con làng xóm ơi hehe, giờ em đi tắm, đi ngủ, còn bạn nào muốn xem công thức thì vào đây nhé !

1 thanh nha đam nhỏ xíu vậy là 150 yen, gần 2 USD hic, mà giá này là rẻ rồi đó !

 

Nguyên liệu:

1 thanh nha đam

100 g bột báng

200 g đậu xanh cà vỏ

200 g đường cát trắng

1 ống va ni

Hỗn hợp ngâm nha đam: 200ml nước lạnh + 1 table spoon nước cốt chanh + 2 table spoon đường

Cách làm:

Bước 1: Ngâm bột báng và đậu xanh trong nước lạnh trước khoảng 1 tiếng, rồi xả sạch với nước lạnh và xóc cho ráo nước

Bước 2: Nha đam cắt khúc nhỏ, rồi dùng dao tước vỏ, sau đó thái hạt lựu.

Bước 3: Ngâm nha đam vào hỗn hợp gồm nước lạnh, nước cốt chanh và đường trong 10 phút cho nha đam hết nhớt. Sau đó xả sạch với nước lạnh !

Các bạn có thể ngâm với nước muối để xả nhớt cho nha đam nhưng sẽ làm mềm và mặn miếng nha đam. Còn với cách ngâm với chanh và đường như trên sẽ giúp miếng nha đam giòn và trắng trong. Lưu ý các bạn phải pha hỗn hợp với liều lượng như trên, và không tự ý thêm nhiều nước cốt chanh vì sẽ làm miếng nha đam hút chanh nhiều và sẽ bị chua (cái này là kinh nghiệm cá nhân đấy, cho nhiều chanh quá nên nha đam chua lè)

Bước 4: Đậu xanh sau khi ngâm mềm thì cho vào nồi đổ khoảng 600 ml nước đun sôi, vớt bọt rồi chỉnh lửa nhỏ và thường xuyên dùng muỗng khuấy để đậu không dính đáy nồi hay khét. Ngoài ra nếu nồi nước cạn thì nhớ châm thêm nước !

Bước 5: Sau khi đậu đã nở đều thì ta cho bột báng vào nấu thêm cho đến khi bột báng nở và trong. Nhớ luôn khuấy đều nồi để bột báng không dính đáy nồi. Sau đó cho đường vào, khuấy đều, nêm nếm vừa ăn.

Bước 6: Sau cùng thì mới cho nha đam vào rồi cho thêm 1 ống vani cho thơm. Khi nước sôi trở lại thì tắt bếp, múc ra chén để xơi nha mọi người.

Món này có thể dùng để ăn nóng hay lạnh đều ngon cả

Tàu hủ nước đường (hay Tàu phớ)


Món tàu hủ nước đường hay Tàu phớ là món ăn rất yêu thích của mình lúc còn nhỏ. Nhớ hồi đó lúc còn học cấp 1, ngày nào cũng đợi cô gánh tàu hủ người miền Trung đi ngang và rao Tàu hủ ơi, là mình vội xin mẹ 200 đồng chạy ra mua tàu hủ ! Tàu hủ của Cô bán vừa rẻ mà vừa ngon, thơm phức mùi đậu nành, hòa chung với nước đường ngọt lịm cùng với nước dừa béo ngậy mê ly. Mình ăn đậu hủ rất thích ăn phần váng bọt và nước dừa nên lúc nào cũng xin Cô vớt bọt đậu nành và cho nhiều nước dừa hihi.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, món Tàu hủ vẫn là món rất ghiền của mình, nhưng cô bán gánh tàu hủ ngày nào không còn thấy nữa. Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn thấy 1 vài cô gánh tàu hủ xa lạ khác đi ngang qua nhà nhưng tàu hủ của các cô không còn đậm đà, ngọt lành như xưa mà giá 1 chén tàu hủ bây giờ cũng đắt hơn xưa nhiều (đến tận 5000 VND /1 chén á hehe).

Còn bây giờ ở bên Nhật thì hoàn cảnh lại còn “bi thảm” hơn, đừng nói 1 chén tàu hủ 5000 VND mà bao nhiêu em cũng mua chứ không than vãn gì ! Vì biết là đợi nghe tiếng rao của các cô bán hàng rong ở đất nước hoa anh đào này dường như là điều không thể, ví cứ như tuyết rơi mùa hè vậy hic !

Thế là chẳng còn cách nào khác, muốn ăn thì mình phải lăn vào bếp thôi. Thế nhưng mỗi lần xem công thức làm món tàu hủ nước đường là em lăn vào bếp rồi lại lăn ra hic, vì không những cực công mà còn sử dụng nguyên liệu vô cùng lạ lẫm mà nghe tên là đã không có cảm tình: thạch cao (nghe cứ như vôi vữa xây nhà nhỉ) hic ….Nên thôi mình nhịn thèm món tàu hủ từ đấy ..

Cho đến một hôm lên facebook của bạn Phương Trương thấy hình tàu hủ bạn làm ngon quá, mà còn nghe nói bạn làm món này rất dễ chỉ có sử dụng gelatin và sữa đậu nành. Thế là mình vội vàng xin bạn công thức ! Đúng như những gì bạn nói, công thức làm món tàu hủ của bạn vô cùng đơn giản,  mà vẫn rất thơm ngon hết xẩy ! Có thể ví là chỉ cần 3 phút là có được 1 vé về với tuổi thơ rồi đấy các bạn ạ!

Sau đây mình xin copy nguyên công thức của bạn Phương cho mọi người tham khảo nhé! Thanks bạn Phương nhiều nhiều !

  • Nấu tàu hủ

Cho 700 ml sữa đậu nành lên bếp hâm ấm ấm thôi không cần sôi.

Cho 7 g gelatine vào 1 cái chén, lấy 1 ít sữa đậu nành vào chén khuấy cho tan gelatine rồi đổ phần gelatine trở lại vào nồi sữa đậu nành khuấy đều.

Khi sữa sôi thì bắc xuống bếp ngay. Để nguội. Cất tủ lạnh 3-4 tiếng hay qua đêm tùy ý.

  • Nấu nước đường:

Cho 200 g đường vàng vào nồi nấu với 250 ml nước lạnh.

Khi đường sôi lăn tăn thì chovài miếng gừng nhỏ vào nấu thêm 1p là tắt bếp.  Để nguội .

  • Nấu nước dừa

Hòa tan bột bắp với 1 chút xíu nước.

Cho 100 ml nước cốt dừa lon lên bếp dun sôi nhỏ lửa với phần bột bắp để cho nước cốt dừa hơi sệt lại là được.

Nếu thích có thể nêm thêm tí muối cho nước dừa có vị mặn béo ngon!

Sau khi tàu hủ để trong tủ lạnh đã đông thì múc ra chén, cho nước cốt dừa lên trên rồi chan nước đường vào và ăn thôi

Món này ưu điểm là nhanh, gọn và thơm ngon. Nhưng khuyết điểm là do sử dụng gelatin để làm đông sữa nên chỉ có thể ăn lạnh, do vậy nước đường, nước dừa trước khi chan vào tàu hủ cũng nhớ để nguội rồi mới chan lên nhé.

Món tàu hủ lạnh này ăn vào những ngày nóng là mát lòng, mát ruột từ trong ra ngoài hhihih.

Ngoài ra, theo cảm nhận của mình thì món tàu hủ này nguyên liệu chính là sữa đậu nành nên bạn cần tìm mua sữa đậu nành càng chất lượng, ngon thì món đậu hủ càng thơm ngon ! Ở Việt Nam mình không biết bây giờ có bán nhiều loại sữa đậu nành không, chứ bên Nhật thì nhiều loại vô số kể, tùy vào giá cả mà mùi vị và chất lượng cũng hoàn toàn khác nhau á!

Nộm lỗ tai heo ngâm giấm


Hôm nay cuối tuần nhà mình ăn món nộm lỗ tai heo ngâm giấm nhé. Thật ra, lỗ tai heo mình đặt hàng mua từ hồi Tết ta, để ngâm giấm ăn Tết. Nhưng do đặt hàng trễ quá nên siêu thị gửi hàng đến nhà là đã mùng 2 Tết rồi nên mình lười và cho “em ấy” nằm trong tủ đông từ bữa đến giờ. Tuần này mới siêng lôi ra ngâm giấm rồi không biết làm món gì cho nhanh gọn, nên lôi đi trộn gỏi. Ngon bá cháy luôn nha mọi người ! Ai muốn làm thử thì mời tham khảo công thức sau nhé !!!

1. Cách làm lỗ tai heo ngâm giấm

– 2 cái lỗ tai heo làm sạch, sau đó chà và rửa với nước cốt chanh cho trắng và thơm.

– Xả sạch lỗ tai heo với nước lạnh, rồi cho vào nồi nước sôi (cho thêm ít muối) để đun.

– Lấy đũa xăm vào lỗ tai heo, nếu thấy mềm là lỗ tai heo đã chín. Lưu ý là lỗ tai heo rất mau chín, luộc khoảng 15 đến 20 phút là ok rồi.

– Lỗ tai heo vớt ra xả với nước thiệt lạnh, rồi cho vào ngâm với thau nước đá lạnh trong 30 phút. Nhớ là thau nước phải cho thiệt nhiều đá, càng nhiều càng tốt, vì nước càng lạnh thì lỗ tai heo sẽ càng giòn mà không phải xài hàn the.

– Sau khi lỗ tai heo đã nguội hẳn thì ta cắt tai heo thành những lát mỏng, dài theo chiều dọc

– Hỗn hợp ngâm dấm gồm 300 ml giấm, 100 ml nước, 200 g đường cho lên nồi nấu sôi cho đường tan đều. Sau cùng nêm nếm với 1 ít muối cho vừa ăn, hỗn hợp có vị chua chua ngọt ngọt là Ok!

– Sau khi hỗn hợp giấm đã nguội, thì ta xếp tai heo, ớt trái và tỏi xắt lát vào hộp hay lọ thủy tinh, rồi đổ hỗn hợp giấm vào cho ngập lỗ tai heo. Lưu ý càng nhiều ớt và tỏi thì càng thơm và ngon nhé.

– Ngâm tai heo từ 3 đến 5 ngày là có thể dùng được

2. Cách làm nộm lỗ tai heo ngâm giấm

Lỗ tai heo sau khi ngâm khoảng từ 3 đến 5 ngày thì ta vớt ra, lúc ấy tai heo sẽ rất giòn và có vị chua chua ngọt ngọt rất ngon.

– Dưa leo , cà rốt thái sợi thiệt mỏng

– Hành tây và hành tím thái lát mỏng theo chiều dọc.

– Pha nước mắm chua ngọt theo tỷ lệ sau:02 nước; 1 phần đường; 1 phần nước mắm; 1 phần nước chanh; Tỏi, ớt bằm

Lưu ý: cách phân biệt nước mắm mặn và ngọt, đó là nước mắm mặn khi cho tỏi ớt vào thì tỏi ớt sẽ bị chìm xuống đáy chén, còn nước mắm ngọt thì tỏi ớt sẽ nổi lên bề mặt chén nhìn rất đẹp. Do vậy chỉ cần nhìn vào chén mắm là có thể đoán được vị của nó rồi nhé.

Tuy nhiên trong dĩa gỏi này, mình không tự pha nước mắm chua ngọt mà xài nước mắm chua ngọt ăn liền của Cholimex, rất ngon và hợp nhé. Mình đính kèm hình hiệu chai nước mắm để bạn nào không có thời gian hoặc lười tự pha nước mắm hihi, thì có thể mua loại này về xài cũng được.

– Trộn tất cả lỗ tai heo + dưa leo + cà rốt + hành tây + hành tím, rồi đổ nước mắm vào trộn đều lên tiếp. Bạn có thể cho thịt heo luộc hoặc tôm luộc để trộn chung tùy sở thích, nhưng đợt này mình chỉ xài lỗ tai heo thôi. Hoặc ai ở Việt Nam có rau răm thì có thể cho thêm rau răm xắt nhỏ vào cũng rất thơm ngon.

– Cuối cùng cho đậu phộng rang giã nhuyễn vào trộn chung, dọn ra ăn kèm với bánh phồng chiên là ngon bá cháy luôn híc !!!

Mời mọi người cùng ăn với mình nào !!!

Bún bò Huế


Hôm nay cuối tuần nhà mình ăn Bún bò Huế nhé. Tuy nhiên bên Nhật không có xương bò để hầm nấu nước bún bò nên Mira sử dụng viên bột nêm nấu bún bò huế và 1 số mẹo nhỏ khác để nấu tô bún bò vừa đơn giản, vừa không kém phần thơm ngon. Bây giờ mời các bạn xem cách nấu bún bò theo kiểu riêng của Mira như sau nhé:

Cách nấu Bún bò:

  •  Cho vào nồi 2 lít nước, 1 bó xả tươi cắt khúc và 1 viên bột nêm bún bò huế rồi đun nước sôi
  • Nước vừa sôi, cho thịt bắp bò vào nấu, vớt bọt để nước dùng được trong. Khi thịt vừa chín tới thì vớt ra, không để thịt chín quá.
  • Phần thịt bò bắp hơi chín được vớt ra xong, xắt lát rồi ướp với xả tươi bằm nhuyễn, mắm ruốc huế, đường và ớt sa tế trong khoảng 15 phút để thịt thấm gia vị. Tùy lượng thịt bạn sử dụng mà nêm nếm lượng gia vị cho phù hợp.
  •  Sau khi thịt bò thấm gia vị, ta cho ít dầu ăn vào chảo đun nóng rồi xào sơ thịt bò. Với cách làm này miếng thịt bắp bò khi ăn sẽ có vị mặn mà, đậm đà, ngon hơn nhiều so với bình thường mình chỉ luộc bò rồi xắt khoanh thôi

 

  •  Về phần nồi nước dùng, khi vớt hết thịt ra thì cho 2 muỗng table spoon mắm ruốc cho vào chén, lấy 1 ít nước lèo đổ vào chén mắm ruốc, lọc mắm ruốc rồi đổ vào nồi. Rồi nêm nếm với 1 ít nước mắm và đường cho vừa ăn.
  • Sau đó đun chảo mỡ nóng, cho hành tím đập dập vào xào cho thơm rồi cho 1 teapsoon xả băm nhuyễn, 1 teaspoon ớt sa tế và 1 trái ớt băm nhỏ vào xào cho thơm. Xào xong thì cho hỗn hợp vào nồi nước dùng, như vậy nồi nước dùng sẽ có vị cay của ớt sa tế và màu đỏ của váng dầu nhìn hấp dẫn.
  • Hành lá cắt khúc và hành tây xắt khoanh cho vào nồi .

Cuối cùng cho bún vào tô. Bên đây mình xài Udon của Nhật thay cọng bún bò nhé, nói chung ăn cũng tạm giống, cho đỡ thèm vậy hihi.

Rồi sắp xếp phía trên tô bún thịt bắp bò, chả và hành , ngò gai. Nấu nước dùng lại thật sôi, rồi chan vào tô bún.

Bún bò huế dọn ăn với giá sống và rau tươi các loại (bên đây có loại nào thì mình xào loại đó heheh). Nếu thích ăn chua chua thì có thể vắt thêm chanh hoặc thích ăn cay hơn thì có thể cho thêm ớt sa tế vào .

Mứt gừng dẻo


Tình hình là do Mira chủ quan nên đặt mua bánh chưng ăn Tết hơi trễ, nên xem như tình hình hiện giờ rất là … bi đát hic… đó là hết bánh, phải đợi đến tuần sau mà chưa chắc là có hay không. Buồn đời quá nên Mira đi sên mứt gừng dẻo với thơm và đậu phộng cho có không khí Tết.

Món mứt gừng dẻo này này khác với món mứt khô truyền thống vì ít cay hơn và có thêm vị chua chua ngọt ngọt của thơm nên tạo nên mùi vị lạ miệng. Nói 1 cách ví von là ta sẽ có thể cảm nhận được đầy đủ hương vị của cuộc đời này chỉ trong 1 miếng mứt gừng dẻo: đó là vị cay đắng của Gừng; vị chua ngọt của Dứa, vị ngọt ngào của Đường, và vị mằn mặn bùi bùi cùng với âm thanh rột rạc nghe vui tai khi ta cắn nhầm phải những hạt đậu phộng rang.

Vào mùa đông đến, trong nhà mình lúc nào cũng làm sẵn 1 lọ mứt gừng dẻo như vậy, lý do 1 phần là chồng mình cũng mê món này, vì là món Việt nhưng hương vị ngọt ngào dễ ăn nên Nhật cũng phải mê. Và lý do quan trọng khác là trong mùa đông lạnh lẽo ở cái xứ tuyết này, mỗi sáng tỉnh dậy mình lại chọn ăn 1 viên kẹo mứt gừng dẻo và uống 1 hớp trà xanh âm ấm, đăng đắng để có tinh thần phấn khởi bắt đầu 1 ngày mới.

Còn ở xứ mình thì giờ này đang dịp Xuân về, món mứt gừng dẻo quả là 1 món mứt không thể thiếu để tăng thêm hương vị ngọt ngào cho những ngày Tết. Ngoài ra, bạn có thể gói từng viên mứt vào giấy kiếng thành những viên kẹo dễ thương để mời khách viếng nhà nhân ngày xuân thì cũng rất có ý nghĩa đó….

Thôi quảng cáo vậy đủ rồi, bây giờ tụi mình cùng bắt tay nhau làm thử nhé. Món mứt gừng dẻo là 1 món không khó làm, nhưng đòi hỏi tính kiên nhẫn và chịu khó vì công đoạn sên mứt khá tốn thời gian. Ta phải để lửa thật thật nhỏ và phải thường xuyên dùng đũa xóc và đảo mứt liên tục trong khoảng 1 tiếng để mứt thấm đường đều và quan trọng hơn là để đường không bám nồi hay bị cháy đen. Thú thật là lúc mình sên mẻ mứt này thì loay hoay làm gì không biết mà quên để lửa hơi to 1 tí mà đường đổi màu hơi đen. Chứ thật ra, mứt sên khéo phải là mứt dẻo và có màu vàng cánh gián nhạt hơn 1 tí thì mới đẹp mắt và ngon miệng được !!!! Thôi, lần sau rút kinh nghiệm vậy !!!

Nguyên liệu:

100 g gừng gọt vỏ, thái sợi

100 g thơm xắt hạt lựu

100 g đường cát trắng

3 tablespoon nước cốt chanh

Đậu phộng rang, giã nhuyễn

1 tablespoon bột năng

1 ít hương vani (nếu ko có thì cũng ko sao)

Cách làm:

1.  Gừng non gọt vỏ thái sợi rồi ngâm vào nước có hòa chung với 2 tablespoon nước cốt chanh khoảng 30 phút. Giai đoạn này có công dụng giúp gừng có màu tươi sáng, không bị thâm đen.

Gừng sau khi ngâm nước chanh thì đem xả nước lạnh thật nhiều để gừng bớt cay.

2. Sau đó cho gừng vào rổ, đợi cho thiệt ráo nước thì cho 1 tablespoon bột năng vào trộn đều. Công dụng của bột năng làm mứt gừng dẻo mà không bị chảy nước.

3. Thơm xắt hạt lựu hoặc bằm nhuyễn. Nếu muốn ăn có miếng thơm sực sực thì xắt hạt lựu như mình

Trộn hỗn hợp gừng và thơm vào với nhau. Rồi cho thêm 1 tablespoon nước cốt chanh, rồi cho 100 g đường cát trắng vào rồi trộn đều lên, ngâm qua đêm hoặc để khoảng 5 tiếng cho đường tan.

4. Sau đó cho hỗn hợp gừng, dứa, đường ra nồi để sên.

Nhớ để lửa thật thật nhỏ và thường xuyên dùng đũa đảo mứt liên tục để mứt thấm đều và đường không bị cháy khét hay bám đáy nồi.

Đun khoảng 1 giờ đồng hồ với lửa thật nhỏ cho đến khi nào thấy đường bám quánh lại trên đũa, nước đường sệt lại có màu cánh gián và hỗn hợp mứt dẻo là được

5. Khi hỗn hợp chín thì nhắc bếp xuống và nếu có vani thì cho thêm chút hương vani để có hương thơm.

Rồi sau đó cho đậu phộng rang giã nhuyễn trộn đều là được.

Mứt làm xong các bạn có thể cho vào lọ, cho vào tủ lạnh để ăn dần

Mùa đông ăn mứt gừng, uống trà nóng thì còn gì bằng nữa hen !

Hoặc để mứt thật nguội rồi dùng muỗng xúc từng chút mứt cho vào giấy kiếng lăn thành viên kẹo rồi cho vào hộp để Tết đãi khách cũng rất hay !

Bạn chọn viên kẹo mứt gừng dẻo nào cho mình ?

 

Mẻ này là mới sên lại, lần này cẩn thận hơn không để lửa quá to và thường xuyên đảo mứt nên mứt có màu cánh gián khá đẹp !!!